hacuong
04-17-2018, 12:41 AM
Truyện ký của NGUYỄN DẬU
Báo Người Hà Nội các số 144,145,146 tháng 3 năm 1990
......................................
Chuyện 1: KHỌM ĐEN (phần 1/3)
Đền Ngọc Sơn là một thắng cảnh nằm ở giữa hồ Hoàn Kiếm gọi là Ngọc Sơn Từ, nhưng có lẽ chữ "đảo" đúng nghĩa hơn chữ "Sơn", nên trên nhiều câu đối và văn tự chữ Hán để lại, các cụ trước kia thường gọi là "Ngọc Đảo". Khoảng gần hai trăm năm trước, đảo chỉ là một gò đất hoang. Một gian miếu nhỏ bằng mái gianh vách đất để thờ Hà Bá (thần sông). Tại sao giữa hồ lại thờ thần sông? Người ta biết rằng một vệt trũng nhiều đầm hồ kéo dài từ Chèm Vẽ, qua Hồ Tây, hồ Trúc Bạch, Cống Chéo, Hàng Lược, hồ Gươm (tên cũ là hồ Tả Vọng) hồ Bảy Mẫu, hồ Thiền Quang, rồi Đuôi Cá, Yên Duyên v.v... chính là luồng cũ của sông Hồng, sông Hồng đã đổi dòng, để lại một dải dấu ấn. Năm tháng trôi qua. Cư dân bốn phương dồn về sinh sống, đã bồi trúc, vùi lấp, chia cắt dòng cũ thành từng mảnh đầm hồ như bây giờ. Khoảng trên dưới một trăm năm trước, những người Hoa Kiều xin phép quan sở tại nhà Trịnh ra Ngọc Đảo dựng một miếu thờ Quan Công. Rồi sau đấy, khi thành phố Hà Nội phát triển, tiểu thị dân và thị dân lớp danh vọng đã cùng nhau quyên góp dựng nên một ngôi Đền Ngọc Sơn, trong đó có thờ đức Trần Hưng Đạo, đức Văn Xương Đế Quân, còn mé hậu cung vẫn thờ cha con ông "mặt đỏ râu dài" có thanh long đao và ngựa Xích Thố. Hàng năm, từ xuân chí đông, ngày sóc ngày vọng, đặc biệt là những ngày đản (ngày sinh) của ba vị thánh đế kể trên, người Việt và người Tầu đua chen đến lễ bái rất đông đúc. Ngôi đền được xây đi dựng lại, chiếc cầu vào Đảo - Đền cũng được dựng nhiều lần, và rồi định hình như hiện hữu là khoảng từ năm 1942 đến bây giờ.
Tôi không hề có ý định viết chuyên khảo về khu đền Ngọc Sơn, mặc dù tôi biết rằng về kiến trúc đền, về chiếc Hồng Kiều (cầu vồng, nay gọi tên là Thê Húc) về đình Trấn Ba, về bài Trâm của cụ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, về Tháp Bút, về chiếc khánh đồng bị một tên lê dương Pháp bắn để lại một vết lõm trên mặt khánh như vết lõm trên mặt thành Cửa Bắc, về hàng ngàn câu đối đắp trên xi măng, khắc trên đá, chạm trên gỗ v.v... là cả một phạm trù huyền diệu, kỳ bí và muôn mầu mà không phải chỉ dăm ba năm, với học lực thô thiển, có thể làm được. Bởi vì, chỉ riêng cái môn lầu, nơi ra vào Đền, có ba chữ Hán rất lớn "Đắc Nguyệt Lâu" hay "Đãi Nguyệt Lâu" mấy ông cán bộ rất mực thông thái đã cãi nhau đỏ mặt tía tai rồi.
Đúng vậy, tôi không viết chuyên khảo! (mặc dù sung sướng xiết bao, nếu được cấp tiền ăn và chút ít quyền hạn để làm cái việc chuyên khảo). Tôi buộc phải dông dài đôi chút về ngôi Đền rất quen mắt và rất lạ mắt này, chỉ vì ở dưới lòng hồ và xung quanh Đền có cư trú, sinh sống và tồn tại một loại sinh linh chẳng ai thèm quan tâm, nhưng thiếu nó thì hồ Gươm cũng chẳng còn mảy may ý nghĩa - đó là những con Rùa, một thủy sinh vật có mặt từ thời tiền sử, nhưng nổi tiếng và đi vào lịch sử dân tộc từ khi có chuyến du thuyền của Lê Lợi vào khoảng non sáu trăm năm trước.
Thật ra, những con vật thuộc loài thủy tộc có cái đầu rụt, to như cái nong phơi thóc kia, không phải là Rùa. Chúng chỉ có họ gần với rùa (kim quy) mà thôi. Từ những năm còn thơ ấu, tôi đã thuộc lòng một bài vè đố về giống sinh vật này: Da, da trâu. Đầu, đầu rắn. Chân, chân vịt. Thịt, thịt gà. Chúng đích thực là những con ba-ba to. Trẻ con quanh khu bờ hồ, và lũ câu cá thường kiêng kỵ gọi chệch đi là ba biêu. Mà cũng không phái chỉ riêng có ba biêu. Còn có con nhệch, con chẹm, con giải, con míp v.v... Về ngoại hình, mấy thứ này in hệt nhau, chỉ phân biệt được chúng ở mầu da, hoa văn trên đầu cổ, đặc biệt là hình dáng cái mũi và mầu sắc hoặc xanh lè, hoặc đỏ nâu, hoặc vàng đất, hoặc rằn ri trên vành mép của chúng. Rùa-rùa chính cống cũng có đấy. Chúng rất nhỏ. Con to nhất chỉ bằng cái rá vo gạo. Phần nhiều mu rùa mầu nâu sẫm, hoa văn hình lục lăng, da cổ và da chân đều mang mầu xanh rêu với những ngấn chỉ màu trắng nhợt. Loại rùa này có mặt ở dưới hồ, là do thiện nam tín nữ đến lễ thánh mua chúng từ muôn nơi về đây thả xuống hồ, gọi là phóng sinh lấy phúc.
Những con to lớn nhất thường nổi lưng hoặc phơi mình trên bãi đất ở chân tháp đều thuộc loại ba-biêu. Sau nhiều năm gần gụi, quan sát và theo dõi, tôi thấy có một con to nhất, từ đầu chí đuôi dài bằng chín lần bề ngang của những phiến xi măng cạp ven hồ. Mỗi phiến rộng ba mươi xăng-ti-mét - vậy là nó dài hai mét bẩy. Mấy con kia nhỏ hơn, ngắn hơn, chỉ chừng hai mét mốt.
Con to nhất nói trên sống thui thủi, độc thân. Da nó đen như da trâu, mép nó xanh như cọng rau, bốn chân mầu vàng nghệ, hay lên bờ phơi nắng thu vào mùa hanh heo, nằm gan lì hàng nửa ngày không nhúc nhích. Trẻ con câu cá đặt tên cho nó là "ông Khọm" - có lẽ vì nó cao niên nhất, và hiền từ nhất chăng?
"Ông Khọm" thuộc loài giải. Nhưng quái thay, giống giải sao có thế hiền từ được? Năm xưa, 1948-1949, bộ đội chống Pháp chúng tôi đóng ở miền Chí Chủ, Thanh Cù thuộc tỉnh Phú Thọ, gần nơi đóng quân là mấy chiếc đầm hồ khá lớn, có nhiều loại giải mép xanh, mép vàng. Chúng kéo trâu bò xuống đáy hồ, chúng đớp cẳng bộ đội, chúng nổi tiếng là giống ác quái. Đơn vị dùng mìn và lựu đạn, tiêu diệt được vài con. Thịt chúng ngon, thơm, song dai, có thớ sợi như thịt trâu già.
"Ông Khọm" gây cho tôi nhiều nghi vấn. Cụ thủ từ Đền Ngọc Sơn thì cả quyết rằng "khọm" hiền từ đi vì đã tu hành đắc đạo từ vài nghìn năm nay. Chính "khọm" chứ không phải ai khác, đã là kẻ trêu chọc vua Lê, nổi đầu lên cho vua Lê hoảng sợ phải tung kiếm vàng ra trấn áp. Rồi chính "khọm" đã ngậm kiếm nổi lên dâng trả vua Lê, để lại cho lịch sử Việt Nam một vài dòng huyền thoại ly kỳ và đẹp đẽ. Trong lòng riêng, tôi nghĩ rằng "khọm" không giữ bản chất giải nữa, Khọm hiền đi, vì đã sống quá lâu. Khi đến giai đoạn chót của một kiếp sinh vật, thì bất cứ con người hay muông thú nào cũng tự cảm thấy và tự biến đổi tính cách để chờ đón những giây phút hủy thể.
"Khọm" không hề gây phiền phức cho người. Ai cũng rõ rằng, về mùa hè có hàng trăm cháu bé xuống hồ bơi lội, tắm rửa, mỗi khi cá úi toàn hồ thì dân phố bốn xung quanh và cả người qua đường đều "làm chủ" mặt hồ, tất cả ùa xuống kín đặc mặt nước, chẳng ai bị xày tí vẩy nào vì giải, nhệch, chẹm và míp cả.
Duy có một lần vào khoảng cuối năm 1969, một anh chàng đánh giậm ở đâu đến bị 'khọm" hành hung. Lúc bấy giờ tôi đang ngồi viết trong phòng riêng. Nghe tiếng kêu oai oái như một kẻ sắp bị chọc tiết, tôi và ông Từ vội chạy ra. Dưới nước, cạnh gốc si già, anh chàng đánh giậm, mặt cắt không còn hạt máu. Toàn thân anh ta bị tạt về mé này, tạt về mé kia bởi một sức mạnh siêu nhiên lắc anh ta như quả lắc đồng hồ. Mặt nước ngầu sủi từng lớp bọt và bùn kêu lên ùng ục. Người đánh giậm gào thét cầu cứu. Ở bắp đùi anh ta bị một vật tròn tròn, đen nhánh, to như chân cột đình ngậm chặt. Những người hiếu kỳ ở ven hồ đều đổ xô cả vào cái quang cảnh ấy. Thần kinh căng thẳng, tôi vừa thương hại người bị hành hung vừa kinh ngạc. Nỗi kinh ngạc của một tài tử dạy hổ thấy con thú thuần dưỡng của mình bỗng nhiên trở mặt hung dữ. Tôi khẽ báo ông Từ:
- Ông Khọm, bác ạ.
Ông Từ bác bỏ ngay lập tức:
- Anh nhìn nhầm hay sao ấy. Đời nào Khọm lại thế?
- Đúng Khọm, bác ạ! Không thể nhầm được. Nước da đen như da trâu mộng kia kìa. Mười mấy con biêu dưới hồ này có con nào da đen đâu?
Ông Từ há hốc mồm nói nhỏ:
- Có lẽ Khọm thật. Thế này thì lạ quá! Thời buổi bom đạn này đến chúng sinh cũng đốc chứng ra... Từ đời bố tôi, rồi qua sang đời anh tôi, đến đời tôi là thứ ba, chưa bao giờ thấy lũ biêu dưới hồ cắn người.
- Bác vào kho bếp lấy cho cháu mượn chiếc đinh ba.
- Không! Không! Anh định đâm chết Khọm?
- Con người sắp bị nó quật chết kia, bác tính sao? mà cháu chỉ dọa nó để cứu thằng cha đánh giậm thôi.
Dưới nước, người rủi ro vẫn chịu cực hình. Thật quái ác, con Khọm văng vật anh ta như con mèo văng vật một quả bóng nhỏ. Tôi hiểu rằng con vật đang hết mức tức tối. Thằng cha kia đã trêu chọc gì nó? Có lẽ đã sơ ý quật cái đòn ống vào đầu Khọm chăng?
Với chiếc đinh ba nắm trong tay, tôi bước xuống mép nước. Trong lòng có chút phân vân: Không thể để người đánh giậm bị con thú hành hung mãi; chỉ một cái vập đầu vào đá tảng dưới hồ, tính mệnh anh ta coi như xong. Nhưng tôi cũng không nỡ nào phóng đinh ba vào đầu hoặc vào mình con ô - quy già nua nhất hồ được. Tôi phân vân và trù trừ. Theo quan niệm đông y, mỗi sinh vật có một yếu huyệt trên thân thể. Chẳng hạn con người có yếu duyệt á-môn và mệnh-môn; con rắn có yếu huyệt ở tam-thốn và thất-thốn; con cá có yếu huyệt ở chính hai mắt; còn con rùa, hoặc họ nhà rùa có yếu huyệt ở gần lỗ bài tiết dưới đuôi. Bị điểm trúng hoặc bị bóp mạnh vào những yếu huyệt ấy, cả người lẫn vật đều đờ ra và có thế tử thương. Song, con rùa đang chìm sâu dưới đáy bùn, chỉ vươn dài đầu cổ lên khỏi mặt nước, làm sao có thể chạm đúng phần đuôi nó?
(còn tiếp)
Báo Người Hà Nội các số 144,145,146 tháng 3 năm 1990
......................................
Chuyện 1: KHỌM ĐEN (phần 1/3)
Đền Ngọc Sơn là một thắng cảnh nằm ở giữa hồ Hoàn Kiếm gọi là Ngọc Sơn Từ, nhưng có lẽ chữ "đảo" đúng nghĩa hơn chữ "Sơn", nên trên nhiều câu đối và văn tự chữ Hán để lại, các cụ trước kia thường gọi là "Ngọc Đảo". Khoảng gần hai trăm năm trước, đảo chỉ là một gò đất hoang. Một gian miếu nhỏ bằng mái gianh vách đất để thờ Hà Bá (thần sông). Tại sao giữa hồ lại thờ thần sông? Người ta biết rằng một vệt trũng nhiều đầm hồ kéo dài từ Chèm Vẽ, qua Hồ Tây, hồ Trúc Bạch, Cống Chéo, Hàng Lược, hồ Gươm (tên cũ là hồ Tả Vọng) hồ Bảy Mẫu, hồ Thiền Quang, rồi Đuôi Cá, Yên Duyên v.v... chính là luồng cũ của sông Hồng, sông Hồng đã đổi dòng, để lại một dải dấu ấn. Năm tháng trôi qua. Cư dân bốn phương dồn về sinh sống, đã bồi trúc, vùi lấp, chia cắt dòng cũ thành từng mảnh đầm hồ như bây giờ. Khoảng trên dưới một trăm năm trước, những người Hoa Kiều xin phép quan sở tại nhà Trịnh ra Ngọc Đảo dựng một miếu thờ Quan Công. Rồi sau đấy, khi thành phố Hà Nội phát triển, tiểu thị dân và thị dân lớp danh vọng đã cùng nhau quyên góp dựng nên một ngôi Đền Ngọc Sơn, trong đó có thờ đức Trần Hưng Đạo, đức Văn Xương Đế Quân, còn mé hậu cung vẫn thờ cha con ông "mặt đỏ râu dài" có thanh long đao và ngựa Xích Thố. Hàng năm, từ xuân chí đông, ngày sóc ngày vọng, đặc biệt là những ngày đản (ngày sinh) của ba vị thánh đế kể trên, người Việt và người Tầu đua chen đến lễ bái rất đông đúc. Ngôi đền được xây đi dựng lại, chiếc cầu vào Đảo - Đền cũng được dựng nhiều lần, và rồi định hình như hiện hữu là khoảng từ năm 1942 đến bây giờ.
Tôi không hề có ý định viết chuyên khảo về khu đền Ngọc Sơn, mặc dù tôi biết rằng về kiến trúc đền, về chiếc Hồng Kiều (cầu vồng, nay gọi tên là Thê Húc) về đình Trấn Ba, về bài Trâm của cụ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, về Tháp Bút, về chiếc khánh đồng bị một tên lê dương Pháp bắn để lại một vết lõm trên mặt khánh như vết lõm trên mặt thành Cửa Bắc, về hàng ngàn câu đối đắp trên xi măng, khắc trên đá, chạm trên gỗ v.v... là cả một phạm trù huyền diệu, kỳ bí và muôn mầu mà không phải chỉ dăm ba năm, với học lực thô thiển, có thể làm được. Bởi vì, chỉ riêng cái môn lầu, nơi ra vào Đền, có ba chữ Hán rất lớn "Đắc Nguyệt Lâu" hay "Đãi Nguyệt Lâu" mấy ông cán bộ rất mực thông thái đã cãi nhau đỏ mặt tía tai rồi.
Đúng vậy, tôi không viết chuyên khảo! (mặc dù sung sướng xiết bao, nếu được cấp tiền ăn và chút ít quyền hạn để làm cái việc chuyên khảo). Tôi buộc phải dông dài đôi chút về ngôi Đền rất quen mắt và rất lạ mắt này, chỉ vì ở dưới lòng hồ và xung quanh Đền có cư trú, sinh sống và tồn tại một loại sinh linh chẳng ai thèm quan tâm, nhưng thiếu nó thì hồ Gươm cũng chẳng còn mảy may ý nghĩa - đó là những con Rùa, một thủy sinh vật có mặt từ thời tiền sử, nhưng nổi tiếng và đi vào lịch sử dân tộc từ khi có chuyến du thuyền của Lê Lợi vào khoảng non sáu trăm năm trước.
Thật ra, những con vật thuộc loài thủy tộc có cái đầu rụt, to như cái nong phơi thóc kia, không phải là Rùa. Chúng chỉ có họ gần với rùa (kim quy) mà thôi. Từ những năm còn thơ ấu, tôi đã thuộc lòng một bài vè đố về giống sinh vật này: Da, da trâu. Đầu, đầu rắn. Chân, chân vịt. Thịt, thịt gà. Chúng đích thực là những con ba-ba to. Trẻ con quanh khu bờ hồ, và lũ câu cá thường kiêng kỵ gọi chệch đi là ba biêu. Mà cũng không phái chỉ riêng có ba biêu. Còn có con nhệch, con chẹm, con giải, con míp v.v... Về ngoại hình, mấy thứ này in hệt nhau, chỉ phân biệt được chúng ở mầu da, hoa văn trên đầu cổ, đặc biệt là hình dáng cái mũi và mầu sắc hoặc xanh lè, hoặc đỏ nâu, hoặc vàng đất, hoặc rằn ri trên vành mép của chúng. Rùa-rùa chính cống cũng có đấy. Chúng rất nhỏ. Con to nhất chỉ bằng cái rá vo gạo. Phần nhiều mu rùa mầu nâu sẫm, hoa văn hình lục lăng, da cổ và da chân đều mang mầu xanh rêu với những ngấn chỉ màu trắng nhợt. Loại rùa này có mặt ở dưới hồ, là do thiện nam tín nữ đến lễ thánh mua chúng từ muôn nơi về đây thả xuống hồ, gọi là phóng sinh lấy phúc.
Những con to lớn nhất thường nổi lưng hoặc phơi mình trên bãi đất ở chân tháp đều thuộc loại ba-biêu. Sau nhiều năm gần gụi, quan sát và theo dõi, tôi thấy có một con to nhất, từ đầu chí đuôi dài bằng chín lần bề ngang của những phiến xi măng cạp ven hồ. Mỗi phiến rộng ba mươi xăng-ti-mét - vậy là nó dài hai mét bẩy. Mấy con kia nhỏ hơn, ngắn hơn, chỉ chừng hai mét mốt.
Con to nhất nói trên sống thui thủi, độc thân. Da nó đen như da trâu, mép nó xanh như cọng rau, bốn chân mầu vàng nghệ, hay lên bờ phơi nắng thu vào mùa hanh heo, nằm gan lì hàng nửa ngày không nhúc nhích. Trẻ con câu cá đặt tên cho nó là "ông Khọm" - có lẽ vì nó cao niên nhất, và hiền từ nhất chăng?
"Ông Khọm" thuộc loài giải. Nhưng quái thay, giống giải sao có thế hiền từ được? Năm xưa, 1948-1949, bộ đội chống Pháp chúng tôi đóng ở miền Chí Chủ, Thanh Cù thuộc tỉnh Phú Thọ, gần nơi đóng quân là mấy chiếc đầm hồ khá lớn, có nhiều loại giải mép xanh, mép vàng. Chúng kéo trâu bò xuống đáy hồ, chúng đớp cẳng bộ đội, chúng nổi tiếng là giống ác quái. Đơn vị dùng mìn và lựu đạn, tiêu diệt được vài con. Thịt chúng ngon, thơm, song dai, có thớ sợi như thịt trâu già.
"Ông Khọm" gây cho tôi nhiều nghi vấn. Cụ thủ từ Đền Ngọc Sơn thì cả quyết rằng "khọm" hiền từ đi vì đã tu hành đắc đạo từ vài nghìn năm nay. Chính "khọm" chứ không phải ai khác, đã là kẻ trêu chọc vua Lê, nổi đầu lên cho vua Lê hoảng sợ phải tung kiếm vàng ra trấn áp. Rồi chính "khọm" đã ngậm kiếm nổi lên dâng trả vua Lê, để lại cho lịch sử Việt Nam một vài dòng huyền thoại ly kỳ và đẹp đẽ. Trong lòng riêng, tôi nghĩ rằng "khọm" không giữ bản chất giải nữa, Khọm hiền đi, vì đã sống quá lâu. Khi đến giai đoạn chót của một kiếp sinh vật, thì bất cứ con người hay muông thú nào cũng tự cảm thấy và tự biến đổi tính cách để chờ đón những giây phút hủy thể.
"Khọm" không hề gây phiền phức cho người. Ai cũng rõ rằng, về mùa hè có hàng trăm cháu bé xuống hồ bơi lội, tắm rửa, mỗi khi cá úi toàn hồ thì dân phố bốn xung quanh và cả người qua đường đều "làm chủ" mặt hồ, tất cả ùa xuống kín đặc mặt nước, chẳng ai bị xày tí vẩy nào vì giải, nhệch, chẹm và míp cả.
Duy có một lần vào khoảng cuối năm 1969, một anh chàng đánh giậm ở đâu đến bị 'khọm" hành hung. Lúc bấy giờ tôi đang ngồi viết trong phòng riêng. Nghe tiếng kêu oai oái như một kẻ sắp bị chọc tiết, tôi và ông Từ vội chạy ra. Dưới nước, cạnh gốc si già, anh chàng đánh giậm, mặt cắt không còn hạt máu. Toàn thân anh ta bị tạt về mé này, tạt về mé kia bởi một sức mạnh siêu nhiên lắc anh ta như quả lắc đồng hồ. Mặt nước ngầu sủi từng lớp bọt và bùn kêu lên ùng ục. Người đánh giậm gào thét cầu cứu. Ở bắp đùi anh ta bị một vật tròn tròn, đen nhánh, to như chân cột đình ngậm chặt. Những người hiếu kỳ ở ven hồ đều đổ xô cả vào cái quang cảnh ấy. Thần kinh căng thẳng, tôi vừa thương hại người bị hành hung vừa kinh ngạc. Nỗi kinh ngạc của một tài tử dạy hổ thấy con thú thuần dưỡng của mình bỗng nhiên trở mặt hung dữ. Tôi khẽ báo ông Từ:
- Ông Khọm, bác ạ.
Ông Từ bác bỏ ngay lập tức:
- Anh nhìn nhầm hay sao ấy. Đời nào Khọm lại thế?
- Đúng Khọm, bác ạ! Không thể nhầm được. Nước da đen như da trâu mộng kia kìa. Mười mấy con biêu dưới hồ này có con nào da đen đâu?
Ông Từ há hốc mồm nói nhỏ:
- Có lẽ Khọm thật. Thế này thì lạ quá! Thời buổi bom đạn này đến chúng sinh cũng đốc chứng ra... Từ đời bố tôi, rồi qua sang đời anh tôi, đến đời tôi là thứ ba, chưa bao giờ thấy lũ biêu dưới hồ cắn người.
- Bác vào kho bếp lấy cho cháu mượn chiếc đinh ba.
- Không! Không! Anh định đâm chết Khọm?
- Con người sắp bị nó quật chết kia, bác tính sao? mà cháu chỉ dọa nó để cứu thằng cha đánh giậm thôi.
Dưới nước, người rủi ro vẫn chịu cực hình. Thật quái ác, con Khọm văng vật anh ta như con mèo văng vật một quả bóng nhỏ. Tôi hiểu rằng con vật đang hết mức tức tối. Thằng cha kia đã trêu chọc gì nó? Có lẽ đã sơ ý quật cái đòn ống vào đầu Khọm chăng?
Với chiếc đinh ba nắm trong tay, tôi bước xuống mép nước. Trong lòng có chút phân vân: Không thể để người đánh giậm bị con thú hành hung mãi; chỉ một cái vập đầu vào đá tảng dưới hồ, tính mệnh anh ta coi như xong. Nhưng tôi cũng không nỡ nào phóng đinh ba vào đầu hoặc vào mình con ô - quy già nua nhất hồ được. Tôi phân vân và trù trừ. Theo quan niệm đông y, mỗi sinh vật có một yếu huyệt trên thân thể. Chẳng hạn con người có yếu duyệt á-môn và mệnh-môn; con rắn có yếu huyệt ở tam-thốn và thất-thốn; con cá có yếu huyệt ở chính hai mắt; còn con rùa, hoặc họ nhà rùa có yếu huyệt ở gần lỗ bài tiết dưới đuôi. Bị điểm trúng hoặc bị bóp mạnh vào những yếu huyệt ấy, cả người lẫn vật đều đờ ra và có thế tử thương. Song, con rùa đang chìm sâu dưới đáy bùn, chỉ vươn dài đầu cổ lên khỏi mặt nước, làm sao có thể chạm đúng phần đuôi nó?
(còn tiếp)