PDA

Xem bản đầy đủ : RÙA HỒ GƯƠM - Chuyện 1: KHỌM ĐEN



hacuong
04-17-2018, 12:41 AM
Truyện ký của NGUYỄN DẬU
Báo Người Hà Nội các số 144,145,146 tháng 3 năm 1990
......................................
Chuyện 1: KHỌM ĐEN (phần 1/3)

Đền Ngọc Sơn là một thắng cảnh nằm ở giữa hồ Hoàn Kiếm gọi là Ngọc Sơn Từ, nhưng có lẽ chữ "đảo" đúng nghĩa hơn chữ "Sơn", nên trên nhiều câu đối và văn tự chữ Hán để lại, các cụ trước kia thường gọi là "Ngọc Đảo". Khoảng gần hai trăm năm trước, đảo chỉ là một gò đất hoang. Một gian miếu nhỏ bằng mái gianh vách đất để thờ Hà Bá (thần sông). Tại sao giữa hồ lại thờ thần sông? Người ta biết rằng một vệt trũng nhiều đầm hồ kéo dài từ Chèm Vẽ, qua Hồ Tây, hồ Trúc Bạch, Cống Chéo, Hàng Lược, hồ Gươm (tên cũ là hồ Tả Vọng) hồ Bảy Mẫu, hồ Thiền Quang, rồi Đuôi Cá, Yên Duyên v.v... chính là luồng cũ của sông Hồng, sông Hồng đã đổi dòng, để lại một dải dấu ấn. Năm tháng trôi qua. Cư dân bốn phương dồn về sinh sống, đã bồi trúc, vùi lấp, chia cắt dòng cũ thành từng mảnh đầm hồ như bây giờ. Khoảng trên dưới một trăm năm trước, những người Hoa Kiều xin phép quan sở tại nhà Trịnh ra Ngọc Đảo dựng một miếu thờ Quan Công. Rồi sau đấy, khi thành phố Hà Nội phát triển, tiểu thị dân và thị dân lớp danh vọng đã cùng nhau quyên góp dựng nên một ngôi Đền Ngọc Sơn, trong đó có thờ đức Trần Hưng Đạo, đức Văn Xương Đế Quân, còn mé hậu cung vẫn thờ cha con ông "mặt đỏ râu dài" có thanh long đao và ngựa Xích Thố. Hàng năm, từ xuân chí đông, ngày sóc ngày vọng, đặc biệt là những ngày đản (ngày sinh) của ba vị thánh đế kể trên, người Việt và người Tầu đua chen đến lễ bái rất đông đúc. Ngôi đền được xây đi dựng lại, chiếc cầu vào Đảo - Đền cũng được dựng nhiều lần, và rồi định hình như hiện hữu là khoảng từ năm 1942 đến bây giờ.

Tôi không hề có ý định viết chuyên khảo về khu đền Ngọc Sơn, mặc dù tôi biết rằng về kiến trúc đền, về chiếc Hồng Kiều (cầu vồng, nay gọi tên là Thê Húc) về đình Trấn Ba, về bài Trâm của cụ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, về Tháp Bút, về chiếc khánh đồng bị một tên lê dương Pháp bắn để lại một vết lõm trên mặt khánh như vết lõm trên mặt thành Cửa Bắc, về hàng ngàn câu đối đắp trên xi măng, khắc trên đá, chạm trên gỗ v.v... là cả một phạm trù huyền diệu, kỳ bí và muôn mầu mà không phải chỉ dăm ba năm, với học lực thô thiển, có thể làm được. Bởi vì, chỉ riêng cái môn lầu, nơi ra vào Đền, có ba chữ Hán rất lớn "Đắc Nguyệt Lâu" hay "Đãi Nguyệt Lâu" mấy ông cán bộ rất mực thông thái đã cãi nhau đỏ mặt tía tai rồi.

Đúng vậy, tôi không viết chuyên khảo! (mặc dù sung sướng xiết bao, nếu được cấp tiền ăn và chút ít quyền hạn để làm cái việc chuyên khảo). Tôi buộc phải dông dài đôi chút về ngôi Đền rất quen mắt và rất lạ mắt này, chỉ vì ở dưới lòng hồ và xung quanh Đền có cư trú, sinh sống và tồn tại một loại sinh linh chẳng ai thèm quan tâm, nhưng thiếu nó thì hồ Gươm cũng chẳng còn mảy may ý nghĩa - đó là những con Rùa, một thủy sinh vật có mặt từ thời tiền sử, nhưng nổi tiếng và đi vào lịch sử dân tộc từ khi có chuyến du thuyền của Lê Lợi vào khoảng non sáu trăm năm trước.

Thật ra, những con vật thuộc loài thủy tộc có cái đầu rụt, to như cái nong phơi thóc kia, không phải là Rùa. Chúng chỉ có họ gần với rùa (kim quy) mà thôi. Từ những năm còn thơ ấu, tôi đã thuộc lòng một bài vè đố về giống sinh vật này: Da, da trâu. Đầu, đầu rắn. Chân, chân vịt. Thịt, thịt gà. Chúng đích thực là những con ba-ba to. Trẻ con quanh khu bờ hồ, và lũ câu cá thường kiêng kỵ gọi chệch đi là ba biêu. Mà cũng không phái chỉ riêng có ba biêu. Còn có con nhệch, con chẹm, con giải, con míp v.v... Về ngoại hình, mấy thứ này in hệt nhau, chỉ phân biệt được chúng ở mầu da, hoa văn trên đầu cổ, đặc biệt là hình dáng cái mũi và mầu sắc hoặc xanh lè, hoặc đỏ nâu, hoặc vàng đất, hoặc rằn ri trên vành mép của chúng. Rùa-rùa chính cống cũng có đấy. Chúng rất nhỏ. Con to nhất chỉ bằng cái rá vo gạo. Phần nhiều mu rùa mầu nâu sẫm, hoa văn hình lục lăng, da cổ và da chân đều mang mầu xanh rêu với những ngấn chỉ màu trắng nhợt. Loại rùa này có mặt ở dưới hồ, là do thiện nam tín nữ đến lễ thánh mua chúng từ muôn nơi về đây thả xuống hồ, gọi là phóng sinh lấy phúc.

Những con to lớn nhất thường nổi lưng hoặc phơi mình trên bãi đất ở chân tháp đều thuộc loại ba-biêu. Sau nhiều năm gần gụi, quan sát và theo dõi, tôi thấy có một con to nhất, từ đầu chí đuôi dài bằng chín lần bề ngang của những phiến xi măng cạp ven hồ. Mỗi phiến rộng ba mươi xăng-ti-mét - vậy là nó dài hai mét bẩy. Mấy con kia nhỏ hơn, ngắn hơn, chỉ chừng hai mét mốt.

Con to nhất nói trên sống thui thủi, độc thân. Da nó đen như da trâu, mép nó xanh như cọng rau, bốn chân mầu vàng nghệ, hay lên bờ phơi nắng thu vào mùa hanh heo, nằm gan lì hàng nửa ngày không nhúc nhích. Trẻ con câu cá đặt tên cho nó là "ông Khọm" - có lẽ vì nó cao niên nhất, và hiền từ nhất chăng?

"Ông Khọm" thuộc loài giải. Nhưng quái thay, giống giải sao có thế hiền từ được? Năm xưa, 1948-1949, bộ đội chống Pháp chúng tôi đóng ở miền Chí Chủ, Thanh Cù thuộc tỉnh Phú Thọ, gần nơi đóng quân là mấy chiếc đầm hồ khá lớn, có nhiều loại giải mép xanh, mép vàng. Chúng kéo trâu bò xuống đáy hồ, chúng đớp cẳng bộ đội, chúng nổi tiếng là giống ác quái. Đơn vị dùng mìn và lựu đạn, tiêu diệt được vài con. Thịt chúng ngon, thơm, song dai, có thớ sợi như thịt trâu già.

"Ông Khọm" gây cho tôi nhiều nghi vấn. Cụ thủ từ Đền Ngọc Sơn thì cả quyết rằng "khọm" hiền từ đi vì đã tu hành đắc đạo từ vài nghìn năm nay. Chính "khọm" chứ không phải ai khác, đã là kẻ trêu chọc vua Lê, nổi đầu lên cho vua Lê hoảng sợ phải tung kiếm vàng ra trấn áp. Rồi chính "khọm" đã ngậm kiếm nổi lên dâng trả vua Lê, để lại cho lịch sử Việt Nam một vài dòng huyền thoại ly kỳ và đẹp đẽ. Trong lòng riêng, tôi nghĩ rằng "khọm" không giữ bản chất giải nữa, Khọm hiền đi, vì đã sống quá lâu. Khi đến giai đoạn chót của một kiếp sinh vật, thì bất cứ con người hay muông thú nào cũng tự cảm thấy và tự biến đổi tính cách để chờ đón những giây phút hủy thể.

"Khọm" không hề gây phiền phức cho người. Ai cũng rõ rằng, về mùa hè có hàng trăm cháu bé xuống hồ bơi lội, tắm rửa, mỗi khi cá úi toàn hồ thì dân phố bốn xung quanh và cả người qua đường đều "làm chủ" mặt hồ, tất cả ùa xuống kín đặc mặt nước, chẳng ai bị xày tí vẩy nào vì giải, nhệch, chẹm và míp cả.

Duy có một lần vào khoảng cuối năm 1969, một anh chàng đánh giậm ở đâu đến bị 'khọm" hành hung. Lúc bấy giờ tôi đang ngồi viết trong phòng riêng. Nghe tiếng kêu oai oái như một kẻ sắp bị chọc tiết, tôi và ông Từ vội chạy ra. Dưới nước, cạnh gốc si già, anh chàng đánh giậm, mặt cắt không còn hạt máu. Toàn thân anh ta bị tạt về mé này, tạt về mé kia bởi một sức mạnh siêu nhiên lắc anh ta như quả lắc đồng hồ. Mặt nước ngầu sủi từng lớp bọt và bùn kêu lên ùng ục. Người đánh giậm gào thét cầu cứu. Ở bắp đùi anh ta bị một vật tròn tròn, đen nhánh, to như chân cột đình ngậm chặt. Những người hiếu kỳ ở ven hồ đều đổ xô cả vào cái quang cảnh ấy. Thần kinh căng thẳng, tôi vừa thương hại người bị hành hung vừa kinh ngạc. Nỗi kinh ngạc của một tài tử dạy hổ thấy con thú thuần dưỡng của mình bỗng nhiên trở mặt hung dữ. Tôi khẽ báo ông Từ:

- Ông Khọm, bác ạ.
Ông Từ bác bỏ ngay lập tức:
- Anh nhìn nhầm hay sao ấy. Đời nào Khọm lại thế?
- Đúng Khọm, bác ạ! Không thể nhầm được. Nước da đen như da trâu mộng kia kìa. Mười mấy con biêu dưới hồ này có con nào da đen đâu?
Ông Từ há hốc mồm nói nhỏ:
- Có lẽ Khọm thật. Thế này thì lạ quá! Thời buổi bom đạn này đến chúng sinh cũng đốc chứng ra... Từ đời bố tôi, rồi qua sang đời anh tôi, đến đời tôi là thứ ba, chưa bao giờ thấy lũ biêu dưới hồ cắn người.
- Bác vào kho bếp lấy cho cháu mượn chiếc đinh ba.
- Không! Không! Anh định đâm chết Khọm?
- Con người sắp bị nó quật chết kia, bác tính sao? mà cháu chỉ dọa nó để cứu thằng cha đánh giậm thôi.

Dưới nước, người rủi ro vẫn chịu cực hình. Thật quái ác, con Khọm văng vật anh ta như con mèo văng vật một quả bóng nhỏ. Tôi hiểu rằng con vật đang hết mức tức tối. Thằng cha kia đã trêu chọc gì nó? Có lẽ đã sơ ý quật cái đòn ống vào đầu Khọm chăng?

Với chiếc đinh ba nắm trong tay, tôi bước xuống mép nước. Trong lòng có chút phân vân: Không thể để người đánh giậm bị con thú hành hung mãi; chỉ một cái vập đầu vào đá tảng dưới hồ, tính mệnh anh ta coi như xong. Nhưng tôi cũng không nỡ nào phóng đinh ba vào đầu hoặc vào mình con ô - quy già nua nhất hồ được. Tôi phân vân và trù trừ. Theo quan niệm đông y, mỗi sinh vật có một yếu huyệt trên thân thể. Chẳng hạn con người có yếu duyệt á-môn và mệnh-môn; con rắn có yếu huyệt ở tam-thốn và thất-thốn; con cá có yếu huyệt ở chính hai mắt; còn con rùa, hoặc họ nhà rùa có yếu huyệt ở gần lỗ bài tiết dưới đuôi. Bị điểm trúng hoặc bị bóp mạnh vào những yếu huyệt ấy, cả người lẫn vật đều đờ ra và có thế tử thương. Song, con rùa đang chìm sâu dưới đáy bùn, chỉ vươn dài đầu cổ lên khỏi mặt nước, làm sao có thể chạm đúng phần đuôi nó?

(còn tiếp)

hacuong
04-17-2018, 12:43 AM
Chuyện 1: KHỌM ĐEN (phần 2/3)

Bí thế, tôi đành quật đinh ba vun vút xuống mặt nước. Con Khọm lúc này đã nhận ra tôi đang lội tới gần nó. Chắc chắn không phải nó sợ tôi, song nể thì có. Đã gần mười năm nay, nó biết rằng tôi không dữ với nó, nghĩa là không thọc gậy vào đầu nó, không ném đá lên lưng nó, mà hàng ngày còn cho nó ăn, khi thì những chiếc bánh mì mốc, khi thì ruột gà. Lại cũng đã có nhiều đêm nó thường từ dưới nước bò lên nằm cạnh gốc cây bàng, phơi cái mu đen nhãy to như một mặt sập gụ, đầu rụt ngắn, mắt thô lố ngắm trời đêm, ngắm ánh sao. Những lúc ấy tôi thường ngồi cạnh nó, cũng mở chong mắt ngắm trời đêm, ngắm ánh sao, miên man nghĩ tới những con người, những thằng ngợm, những vị hiền nhân và những lũ ma quỷ trên thế gian... Tóm lại, nó nhận ra tôi. Vẻ tinh khôn giấu trong thân hình trì độn, nó biết rằng tôi không bằng lòng, nên nó vội há miệng - cái miệng phía trong hàm đó như một chậu máu - nhả người đánh giậm ra. Nó lúc lắc cái cổ dài đôi mắt tròn xoe, long lanh như muốn phân bua cùng tôi rằng vì sao nó phải điên khùng như vậy. Ít giây sau, nó lặng lẽ chìm mình mất dạng, sùi bọt nước bơi về phía bên Thủy Tạ.

Tôi dìu người đánh giậm vào bờ. Hắn lả lướt, nghiêng cả khối trọng lượng cơ thể phải tới sáu mươi nhăm ký vào người tôi.

Cán bộ bên sở Văn hóa, nhân viên Sở Cá và cả mấy chú công an nữa cũng vào Đền. Họ nháo nhác, ồn ào và hống hách lên tiếng. Kẻ thì sẵn sàng lập biên bản, nếu đây là vụ cướp giật rồi nhảy xuống hồ. Kẻ thì lập tức trừng trị nếu như xảy ra chuyện quây lưới bắt cá trộm. Kẻ thứ ba thì ôn tồn nhưng rắc rối hơn ấy là xét nét xem có gì vi phạm di tích lịch sử không. Không có gì đáng lưu tâm, không có gì đáng để họ phải vênh váo quát tháo, và cũng không có gì có thể "doanh lợi" trong cái chuyện cỏn con này, nên các vị đã lặng lẽ rút lui cả.

Tôi dìu kẻ đánh giậm ngồi xuống thềm hiên (Tây hiên). Trên đùi hắn hằn rõ hai hình móng ngựa đối xứng, trợt da và đỏ lòm máu. Tại sao lại có vệt máu hình móng ngựa ? Còn nhớ vào một thời điểm nào đó trước đây, tôi được xem một bức vẽ nổi tiếng của một danh họa, vẽ một con rùa rất lẫm liệt uy nghi. Răng rùa đều hàng, trắng trẻo, đẹp không kém hàm răng của bất kỳ một tài tử màn bạc nào. Từ đấy, mỗi lần nghĩ tới con rùa trên bức tranh nghệ thuật, tôi lại thấy bàng hoàng. Sự thực thì họ nhà Rùa, từ rùa đến vích, đồi-mồi, ba-ba, chẹm, míp và giải v.v... tổ tiên chúng vốn là một nhánh của giống khủng-long bốn chân thời tiền sử thoái hóa, di huyết thành bọn chúng hôm nay. Chúng chưa hề bao giờ có răng cả. Hai cái hình móng ngựa chính là hai cái xương hàm chúng đã được sừng hóa, rắn như thép dùng để bắt giữ, kẹp gắp những con mồi, chứ không có chức năng cắn xé. Thành thử, than ôi, khi nhìn thấy bức tranh "rùa có răng" tôi có cảm giác kinh hãi như khi thấy câu hát "đàn cò trắng bay trên Côn Đảo" của một nhạc sĩ cỡ lớn vậy. Cò vốn là một loài chim sống trong một môi trường đồng nội. Vận động trì trệ, đôi cánh yếu ớt, cò sợ từ gió cấp ba trở đi; chúng không thể sống ở ven biển chứ đừng nói xuất hiện mãi tít ngoài khơi xa. Có một lần, lâu lâu rồi, tôi đã trò chuyện với nhạc sĩ về điều này. Nhạc sĩ với tấm thân đẫy đà, vẻ mặt biểu lộ một tính cách rất vật dục và đắc chí. Ồng ta nhìn tôi cười cười, ánh mắt phóng ra tia mắt thương hại, im lặng, nhưng rõ ràng thầm dạy tôi câu này:

- Này anh chàng trung thực một cách xuẩn ngốc ơi. Người ta đã hát câu đó hơn ba chục năm rồi, và sẽ còn say sưa hát ít nhất hơn ba chục năm nữa. Vì sao à? Vì nó là ngợi ca, mà đã là ngợi ca, anh có thể phi lý và hoang đường đến mức nào đi nữa, vẫn... ô kê! Rõ chưa?

Tôi là một kẻ xuẩn ngốc! Những chuyện như thế này chẳng bao giờ tôi chịu hiểu lấy mảy may - Nhưng thôi, bạn đọc thứ lỗi vì tôi đã có chút lạc đề...

Sau khi được ông Từ chườm cho ít nước nóng, tôi đã bôi thuốc đỏ, tiêm giảm đau, rồi gắn băng dính cho người đánh giậm. Hắn đã hoàn sức và hoàn hồn. Hắn bắt đầu cử động, vung vẩy chân tay. Trời đất ạ, lúc này tôi mới thấy hết tầm vóc lực sĩ, cao to, cuồn cuộn gân cốt của hắn. Chân dung của hắn là thế này đây: tóc tỉa đuổi, mắt tròn, lông mày rậm, da nâu, chân tay như một đô vật thượng thặng; trên ngón tay đeo hai chiếc nhẫn vàng phải đến mỗi nhẫn hai đồng cân - "Hắn đâu phải kẻ đánh giậm?" Tôi tự nhủ như vậy. Tôi liếc nhìn ông từ - Nhưng ông già vốn thuần hậu, không kịp phát giác ra điều đó.

Người đánh giậm bất ngờ nện nắm tay như búa xuống mật bàn gỗ lim, làm nảy tung cả đĩa chén đầy nước. Hắn gầm gừ:

- Các ông phải bồi thường tôi. Các ông đã để rùa-rùa dìm chết tôi.

Ông từ kinh hoàng trước sự trở mặt hết sức bất ngờ đó. Và chính tôi nữa, tôi cũng hoàn toàn bị đột ngột. Người đánh giậm nghiến răng trợn mắt quát:

- Thế nào? Lũ phát vãng này? Có chịu bồi thường không? Nếu không, tôi sẽ xin các ông tí "me" (máu) đấy.

Chúng tôi càng căng thẳng. Trong ngôi đền này, suốt ngày đêm, suốt năm tháng chúng tôi đã phải tiếp xúc, phải chào đón, phải đề phòng, phải xua đuổi đủ mọi loại người. Từ các thương khách quốc gia như tổng thống đại nhân từ quốc trưởng "thò lò sáu mặt" Nôrôđôm Xihanúc, các đoàn tham quan có học vấn uyên thâm, có phong cách văn hóa cao, các đoàn người hành hương cả tin nhưng đức hạnh, và cuối cùng là bọn buôn bán lừa đảo, có lẽ chưa bao giờ chúng tôi gặp phải một thằng súc vật hơn cả súc vật như thằng đeo nhẫn vàng này.

Tôi nhũn nhặn hỏi lại hắn:
- Này, người anh em, sao lại có chuyện kỳ quặc thế nhỉ? Chính tôi vừa mới cứu người anh em mà !
- Các ông đã nuôi con rùa-rùa kia, đúng thế chứ?
- Chuyện hơi lạ đấy.
- Lạ à? Lạ cái con củ... Con rùa ấy là rùa di tích lịch sử thuộc hồ này, đúng không?
- Về điều này thì có phần đúng.
- Thế hồ và đền này là do các ông trông coi?
- Cũng có phần đúng!
- Các ông liệu mà "xử" với tôi cho "phải đạo" đi.
- Như thế nào nào?
- Bồi thường chứ còn thế nào nữa. Tôi hỏi các ông, chó nhà các ông cắn người các ông có bồi thường không? Huống chi rùa-rùa nhà các ông định dìm chết người? Tôi không cứng gân thì chết với nó rồi.

Lúc này ông từ đã điềm tĩnh đôi chút. Ông già yếu, hiền lành, chỉ choáng váng trước những gì hung bạo, còn về mặt đấu lý đấu lẽ, ông lão không kém cạnh gì ai.

- Thì cho là vậy đi. Chó nhà có quyền cắn đuổi kẻ trộm, vậy rùa nhà cũng có quyền cắn đuổi kẻ trộm chứ ?

Thằng tráo trở lại đập mạnh tay xuống bàn, thét lớn:

- Tao mà lại thèm trộm, cắp của các anh à? Tao tuyên bố sẽ phại tiền bồi thường gấp đôi, vì lão già đã dám bảo tao là trộm cắp. Nếu không, nhắc lại, sẽ xin tí "me" đấy. Đây không biết đùa đâu. Đây đã nói một là một...
- Anh vừa nói hồ này của chúng tôi. Anh đã được phép của chúng tôi chưa mà xuống đánh giậm? Ông từ hỏi.
- Này, không lý sự nữa. Có bồi thường không thì bảo?
- Bồi thường bao nhiêu ?
- Hai đồng cân vàng !
Tôi im lặng khá lâu. Trong im lặng, tôi quan sát nét mặt của tên tướng cướp súc vật nọ. Lòng trắng trên mắt nó nhiều vằn đỏ gay gắt, dấu hiệu chứng tỏ hắn dám liều lĩnh và không từ một sự liều lĩnh nào. Tôi gọi hắn là "tướng cướp súc vật" không phải tôi tùy tiện lăng mạ người ta. Tôi biết có những loại trộm cướp khác. Quanh bờ hồ, những năm đế quốc Mỹ đánh phá, đã xuất hiện nhiều tay anh chị ghê gớm; tôi thậm chí biết rõ từng đứa nhà ở đâu, gia đình ra sao và tính nết thế nào. Hung hãn! Đó là tính cách chung của chúng! Nhưng không phải đứa nào cũng mất hết tính người. Có đứa cũng khá hào hiệp, thậm chí còn nhân ái và vị tha cứu giúp kẻ khác. (Mênh mông cái thế giới tội ác này, viết bao nhiêu trang cũng không đủ được!). Song, bẩn thỉu như cái thằng đánh giậm này đã khiến tôi ngạc nhiên. Hình như trong tiềm thức, trong "bộ nhớ" của tôi đã có "lưu trữ" hình ảnh về hắn, nên tôi cảm thấy bứt rứt, bần thần. Chính lời nói của hắn đã giúp tôi nhớ lại ”Hai đồng cân vàng". À, phải, hắn đấy!

Chuyện xảy ra chưa lâu lắm, mới vào khoảng đêm Nôen vừa qua. Trời rét! Mưa phùn uốn cong theo gió quật vun vút vào da thịt. Các cửa hàng và nhà cửa ven hồ đều đóng kín mít. Đêm của Đức Chúa ra đời, mọi lối đi, mọi gốc cây và thảm cỏ, ghế đá và lan can cầu, chỗ sáng trưng và nơi kín mít, đều đông nghịt thanh niên trai gái. Kẻ có áo mưa, vẫn tay cầm tay thủng thẳng dạo gót, tâm tình. Kẻ không mang áo mưa đều dồn úa vào quán giải khát Thủy Tạ. Một số không ít thì từng đôi đứng nép vào gốc cây, ôm ấp, hôn hít và làm tình theo cái kiểu thú vật nhất.

Những đêm Hà Nội có một lễ hội nào đó, tôi thường một mình đi nhàn tản, hoặc đứng lặng lẽ ở sân đình Trấn Ba mà âm thầm ngắm nhìn dòng người xuôi ngược tấp nập xung quanh bờ hồ. Tiếng ô tô, tiếng xe máy, tiếng người kêu gọi ồn ào. Và tôi đứng đó, có cảm giác như đúng tâm điểm của chiếc đèn kéo quân khổng lồ, lòng thường buồn rầu nghĩ về đời mình, về đời của những sinh mệnh đang bon chen, mưu tính, lừa đảo, trục lợi, vất vả ngược xuôi, thấy xiết lòng một suy cảm về hai tiếng "phù du" trên cõi thế mang mang bể khổ này. Giữa lúc tôi đang trầm tư, chìm mình vào một bài thơ chữ Hán theo Đường luật đang rạo rực trong đầu thì một chuyện gì đó xảy ra bên phía nhà Thủy Tạ.

Nơi đó, dưới ánh sáng đèn nê-ông trắng lóa đang nhốn nháo vài trăm người hò hét, xô xát. Rồi một bóng người lao xuống hồ. Tiếp đó là tiếng hàng ngàn viên gạch ném theo, tiếng người hò la, tiếng còi inh ỏi của công an và thanh niên cờ đỏ.

Bóng người nhảy xuống hồ đã biến mất vào những màn mưa phùn, vào gió bấc, vào những đợt sóng dào dạt lạnh buốt. Tôi rùng mình nghĩ tới cái thằng cha táo tợn nào đó. Chắc là hắn cướp giật một cái gì đấy. Chà! Chà! Trời buốt lạnh như thế này...

(còn tiếp)

hacuong
04-17-2018, 12:44 AM
Chuyện 1: KHỌM ĐEN (phần 3/3)

Chẳng mấy chốc, công an, cờ đỏ, và hàng trăm người cùng chạy vòng theo bờ nước, rồi họ đạp tung cổng gỗ, kéo ùa vào trong đền Ngọc Sơn. Họ cho tôi biết rằng có một tên cướp đã cướp giật một túi vàng và tiền của khách hàng giải khát. Chắc chắn hắn sẽ bơi vào ẩn nấp trong những bụi dứa, bụi si mọc um tùm quanh đảo. Trong số người săn đuổi và người hiếu kỳ tò mò kia, tôi nhận ra khoảng vài chục thằng cướp và cắp ở quanh khu vực này. Chúng cũng gậy gộc, cũng nhăm nhăm đá củ đậu trong tay. Bọn này thường diệt cướp và cắp hăng hái hơn cả công an với cờ đỏ, bởi vì những tên cướp cha vơ chú váo kia đã dám hành nghề trên "lãnh địa" cùa chúng. Không có lẽ gì, tôi lại thấy lo cho tính mạng của thằng cướp táo tợn kia. Hắn không thể bơi mãi dưới mặt nước rét buốt. Thế nào hắn cũng vào bờ. Hắn sẽ không thể sống quá mười phút bởi trận đòn hội chợ. Trong thời Mỹ bắn phá, người Hà Nội đã từng biết có khá nhiều lưu manh chết tươi con nòng nọc do đám đông đánh đập vô tội vạ. Con người lúc bấy giờ mới dữ dội làm sao?
Trong khi người ta lùng sục các bụi cây, thì tôi phóng mắt nhìn khắp mặt nước. Từ lâu, tôi đã quen nhìn mặt nước trong đêm tối, và chỉ loáng sau, tôi đã nhận ra một cái đầu người nhấp nhô ngoài xa. Thằng quỷ phải có một sức khỏe lạ lùng mới chịu đựng nổi nhiệt độ thấp suốt từ nãy tới giờ. Hắn cũng có một trí khôn ma mọi cho nên cứ bơi chậm rãi, tránh xa những quãng sáng của các ánh đèn.
Máu "săn" từ thời hoang dã của tổ tiên chắc là còn di truyền trong từng tế bào tôi, nên tôi nóng người lên, hăm hở vác cái thuyền gỗ tam bản từ trong bếp chạy ra mép nước. Một anh công an có đèn pin và súng lục định nhẩy lên thuyền. Nhưng, (lại cũng chẳng biết vì sao) lập tức ngăn anh ta lại, tôi nói:
- Thuyền nhỏ không chở nổi hai người, anh cứ để mình tôi thôi. Nếu tìm thấy, tôi sẽ "điệu" nó vào bờ cho các anh.
- Bác cẩn thận đấy, nó rất to lớn, lại có dao nhọn. Anh công an dặn dò.
- Anh cứ yên tâm. Tôi cũng có mài chèo gỗ lim đây. Lo gì?
Nói xong tôi lao vút thuyền ra giữa hồ. Thằng cướp vẫn làm động tác bơi chậm chạp, điềm tĩnh. Thần kinh căng thẳng, tôi ghìm thuyền để phòng ngừa. Hắn quay nhìn tôi, thản nhiên bơi tiếp. Gió thổi dữ dội. Sóng nước tung tóe văng lên cổ tôi như dao cứa. Sau một lúc thi gan với nhau, tôi đành lên tiếng trước:
- Này thằng đểu! Mày định bơi suốt đêm nay chăng?
Có lẽ thấy tôi hiền, hiền từ vóc người đến giọng nói êm êm, nên thằng cướp đột nhiên quay phắt lại, nhanh không tưởng được, chỉ chớp mắt hắn đã bíu được hai tay vào mạn thuyền. Trong đêm tối, nhưng tôi cảm thấy rất rõ mặt hắn đã bị rét buốt làm cho nhợt nhạt, biến dạng. Tuy vậy, hổ gầy còn oai, hắn đanh giọng bảo tôi:
- Ông nên quay vào đi, đừng chạm đến tôi. Quay vào đi!
- Nếu tao không quay vào bờ thì sao?
Thằng cướp nhếch mép cười gằn:
- Thì tôi sẽ dìm thuyền. Tôi sẽ xin ông tí "me", cùng lắm là mạng đối mạng. Ông chưa biết tôi là ai đấy thôi. Đừng đùa!
- Thế thì mày nhầm! Mày cứ dìm thuyền đi, mày sẽ biết ở dưới nước tao vờn mày như vờn một con chó con. Tao chỉ nể mày ở trên cạn thôi...
Im lặng. Thằng cướp thở hổn hển. Hai hàm răng hắn va vào nhau lập cập. Rõ ràng hắn đã kiệt sức. Nếu cứ tiếp tục bơi, có lẽ do thân nhiệt tỏa nóng, hắn còn dễ chịu hơn. Lại chừng vài phút nữa trôi qua, đột ngột, thằng cướp quẳng con dao dài, sáng và nhọn về phía tôi. Tôi hỏi hắn:
- Này định thế nào đây?
Tên cướp lộ vẻ phờ phạc nói trong cơn run rẩy:
- Con đầu hàng bố! Bố hãy tha cho con! Con rét lắm rồi.
- Không tha mày được. Mày đã trắng trợn cướp giật của người ta. Mày đã làm hại bao người rồi...
- Con không cướp giật của người tử tế. Con "nẫng" của bọn trấn lột bên cầu Chui đấy thôi. Con đã ''tăm" chúng nó từ mãi bên Yên Viên về đây... Con xin bố, bố tha cho con. Lên bờ bây giờ con sẽ chết ngay vì đòn hội chợ mất.
- Phải! Đó là cái chắc!
- Con lột của bọn cướp khác thì có gì là đáng "tịch"...? Con còn nuôi bốn đứa con nhỏ, bố ơi... Con sẽ biếu bố hai đồng cân vàng trên ngón tay con đây. Bố không thương con thì thương các cháu vậy... Con chết, tội nghiệp chúng nó lắm.
Lòng tôi mềm sỉu. Trời ơi! Sao cái thằng đốn mạt này nó lại biết cách giẫm đúng vào lòng tôi? Bốn đứa con! Ôi, tôi cũng có bốn đứa con. Hiện giờ chúng nó cơ cực ở nơi sơ tán, cứ chiều thứ bẩy là mỏi mắt mong bố thồ gạo, củi, dầu hỏa, bột mì và ít cá tươi cho chúng. Hỡi đấng linh thiêng ngự trị nơi nào đó trên thiên đường huyễn hoặc? Đấng linh thiêng hãy chứng giám cho, làm sao tôi có thể góp phần tiêu diệt một người bố của bốn đứa trẻ nhỏ.
Tôi quát vào mặt thằng cướp:
- Buông tay ra! Bơi vào Tháp Rùa mà "lặn"! Tao quay về đây! Vàng của mày thì giữ lấy mà nuôi con!
Thằng cướp rời hai bàn tay, bơi đi. Quá chục sải tay, tôi đã không còn thấy nó đâu nữa.
Thấy tôi quay về với con thuyền trống rỗng, có hàng trăm tiếng lầu bầu nguyền rủa của tôi là đồ vô tích sự, đồ mắt "cặp-bà-lời" (tôi đeo kính lão). Thây kệ mọi điều tiếng ồn ào, tôi quay vào nhà, xin ông từ một chén rượu để uống cho ấm dạ.
Lúc này, hôm nay, sau một tuần lễ, thằng khốn kiếp đang gầm ghè đòi "phạt" chúng tôi đây. Mặc cho hắn tác oai tác quái, tôi vẫn không động đậy. Tôi phải nghĩ xem vì sao hắn lại đánh giậm dưới hồ? Cũng chẳng khó khăn gì về việc tìm đáp án. Chắc chắn đêm hôm xưa nó đã quẳng túi vàng với tiền xuống bùn. Hôm nay đóng vai người đánh giậm, chắc là để mò tìm cái túi của đó. Và hắn đã bị rùa "Khọm" trừng phạt...
Thằng đểu nhìn hai chúng tôi, một già yếu, một gầy còm, giọng nói sắc lạnh hơn:
- Thế nào, có nộp phạt không? Hai đồng cân vàng, "nôn" ra, nhanh lên! Lũ phát vãng!
Tôi điềm nhiên tiến lại gần hắn, hai tay chắp lại, lấy giọng nói nhỏ, như niệm thần chú:
- "Con còn nuôi bốn đứa con nhỏ... Bố không thương con thì thương các cháu vậy... Lên bờ bây giờ con sẽ chết ngay vì đòn hội chợ...”

Ông già thủ từ ngẩn mặt ra, không hiểu tôi tụng niệm cái gì. Thằng đểu đã hiểu. Hắn tròn xoe mắt, há hốc mồm nhìn tôi rất kỹ, rồi thình lình quay người chạy một mạch ra khỏi cầu Thê Húc. Từ đó, tôi không bao giờ gặp lại hắn!
Tối hôm ấy tôi ra gốc si ngồi "nhấc" cá. Lẽ ra tôi định ngồi cho đến khuya, nhưng mới câu được vài ba con trê già, bỗng thấy cá nhẩy lung tung khỏi mặt nước. Tôi chán ngán đứng lên, trong miệng làu bàu:
- Lại "biêu" vào quấy rồi. Những của nợ này quấy rầy quá đi mất!
- Đúng biêu vào thật. Từ đáy nước một cái mu tròn mầu đen sẫm từ từ nổi lên - Chính Khọm! Nhận ra tôi là bạn quen, nên Khọm không lặn mà còn tiến vào gần hơn. Vẫn theo lệ thường, tôi quẳng cho Khọm một con trê to. Con vật tinh khôn há rộng miệng đớp cái "tóp", rồi lắc cổ hai ba cái nuốt chửng. Xong xuôi, nó im lìm, cổ dài từ từ rút vào trong mu, chỉ còn chừa ra hai mắt, một khoảng trán và hai lỗ mũi hin hít, xít nhau, tròn tròn như hai lỗ của chiếc ống nhòm loại lớn.
- Tại sao lại vậy, hả người anh em? - Tôi tủm tỉm cười trò chuyện với con ô quy - Nó, cái thằng cướp vô pháp vô thiên ấy, nó đã làm gì người anh em? Nó đập ống giậm vào đầu, hay nó choảng đá vào "mái nhà" của người anh em? Người anh em đã nổi hung trừng phạt nó - Thế ra bậc đạo đức chân tu như người anh em mà cũng còn tính hỏa, cũng biết nổi giận, cũng biết hằn thù kia đấy? Chả trách được lũ chúng sinh người trần mắt thịt cứ luôn luôn kèn cựa, sát phạt và hãm hại lẫn nhau như một lũ chó dại.
Về sau nhiều năm, đột nhiên con ô quy này biến mất. Với thân hình đồ sộ thế, nó chẳng thể lọt vào một cửa cống nào. Còn chuyện thoát xác thành tiên, chỉ là điều hoang đường, vui tai trẻ lên bẩy.
Tôi biết rằng ở gần tháp Rùa có một lỗ to rộng, sâu ghê gớm. Một lần theo ròng một con cá chép, tôi đã bị sa xuống cái lỗ bùn. Chẳng rõ có phải Khọm đã đào khoét soạn sửa cho mình nơi an nghỉ cuối cùng sau hơn nghìn năm chứng kiến mọi triều đại, mọi tang thương, mọi hưng phế của thế giới loài người tràn đầy bất công, mờ bụi và ti tiện hay không.