PDA

Xem bản đầy đủ : Khâm Thiên - gương mặt cuộc đời



lambarca
04-16-2018, 11:49 PM
2

Phố Khâm Thiên, một trong những phố có nhiều biệt danh, giống như nhà báo phải ký nhiều biệt danh, giống như nhà báo phải ký nhiều tên, đã gây ấn tượng mạnh trong lòng người Hà Nội qua nhiều thời kỳ.

Nó từng được gọi là phố Cầm Ca, làm ta liên tưởng xa xôi đến người đàn bà được gọi là cô Cầm tài hoa đàn hát trong bài “Long Thành cầm giả ca” buồn não ruột của Nguyễn Du, từng âm vang sênh phách chát tửng tưng đàn đáy...

Ngay cái tên viết tắt, người ta rủ nhau: “đi ca tê (KT)”, hoặc “xuống xóm” đi, cũng hiểu ngay đó là Khâm Thiên…

Khâm Thiên còn được gọi là phố Nhiệt Đới hay Xích Đạo vì nằm thẳng một chiều Đông Tây, nắng từ sáng sớm đến tối nhọ mặt người, từng chang chang không một chút lá xanh, cho đến năm 1954 mới mọc rặng bàng mướt mắt mùa hè, đỏ rực mùa đông.

Một thời gian, Khâm Thiên là phố làm cưa làm dũa, sau đó được gọi là phố Thợ May dài 1170 mét, bên chẵn có 404 số nhà, bên lẻ có 305 số nhà thì đã có 198 hiệu may, có may đo, có bán quần áo, có bán hàng dệt kim, cùng trên 50 nhà bán quần áo, gọi vui là hàng Thùng hoặc đồ SIDA.

Sau ấn tượng sâu đậm nhất của “Xóm Cô Đầu,” thì cái tên phố B.52 đã khắc sâu vào lòng người Hà Nội về một Khâm Thiên đau thương và dũng cảm.

Vào lúc hơn 10 giờ đêm 26/12/1972, trong trận đánh Điện Biên Phủ trên không mà Hà Nội thắng giặc Mỹ ném bom hủy diệt, trong đêm ấy, đêm giãy giụa của cuối trận giãy giụa pháo đài bay man rợ, bom đã phá hủy 17 tổ dân phố theo chiều dài con đường mặt trời đi qua ấy, phá đổ 534 căn nhà, 120 ngôi nhà khác bị hư hỏng nặng, 283 người dân lương thiện cần lao của Khâm Thiên bị hy sinh, 262 người khác bị thương.

Thoắt mà đã một phần tư thế kỷ trôi qua, phố Khâm Thiên ngày nay đã khang trang hơn trước rất nhiều, vết thương chiến tranh, vết thương tâm lý cũng được xóa đi, chìm vào quá khứ, hồn thiêng của cô Cầm đã bay trong khói, hồn thiêng những người đã hy sinh trong trận B.52 vẫn về bên tượng đài tưởng niệm dựng trên nền cũ số nhà 49, với hai cây hoa đại lấy giống từ cây cổ thụ trong Văn Miếu và những khóm thài lài tía được đem từ Chùa Hương về...

Trong những người sống sót, có bà chủ hiệu sách Quốc Việt ở số nhà 274, một hiệu sách tồn tại hơn 40 năm trên đất Khâm Thiên, phục vụ nhiều thế hệ bạn đọc, ông mua sách, đến cha mua sách và đời con cũng lại đến đây mua sách.

Và ít ai biết chồng bà, một chứng nhân nữa của đêm B.52 ấy. Đó chính là nhà thơ, nhà báo, nhà viết kịch Giang Quân, tuy không sinh ra ở đây nhưng đã gắn bó gần cả cuộc đời mình với Hà Nội, với Khâm Thiên.

Cuối năm 1997, Giang Quân vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách thật đáng quý mang tên “Khâm Thiên, gương mặt cuộc đời,” để nhớ lại một Khâm Thiên có đài Khâm Thiên Giám trong lịch sử, nhớ lại cái thú cầm ca, nhớ lại những 12 ngày đêm không quên của Hà Nội, đêm đau thương của Khâm Thiên.

Phần lớn tư liệu trích dẫn trong bài báo nhỏ này là từ cuốn sách ngồn ngộn tư liệu sống ấy, bởi tuy ông là nhà văn những cũng là người trong cuộc, một người Khâm Thiên, một người cầm xẻng cứu hầm sập, từng nghe những làn điệu ca trù một thời chưa xa lắm...

Nếu Khâm Thiên chỉ là một phố ngoại ô bùn lầy nước đọng, le lói đèn dầu, chỉ sáng choang ánh đèn măngsông trong mấy chục nhà hát, rồi cách mạng đổi đời cho phố, cho dân phố thì có lẽ nó cũng chỉ như một con phố bình thường khác trong hơn 400 phố phường Hà Nội.

Nhưng hình như Khâm Thiên mang một chất hồn gì đó đặc biệt, một chiếc chứng minh thư có riêng một màu, từ nắng nung nấu, đến tiếng rao hàng đêm khuya, tiếng xe bò lọc cọc chở xác người chết đói lầm lũi đi ra ngoại ô heo hút thảm thương trong bài thơ “Chiếc xe xác đi qua phường dạ lạc” của Văn Cao viết năm 1945...

Từ những bước chân phóng túng hình hài của nhà văn Nguyễn Tuân tri kỷ tri âm với người tài hoa nhan sắc; đến một Trần Huyền Trân, một người Khâm Thiên “chính hiệu” có người mẹ là làm nghề hộ lý nhà thương, đêm đêm kéo vó bên cái Cống Trắng lấy con tôm con tép nuôi con.

Vết thương chiến tranh đã được hàn gắn phần nào, chúng ta vẫn còn một Khâm Thiên tài hoa, một Khâm Thiên lao động, một Khâm Thiên đáng trân trọng như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát từng trân trọng đến đây nghiên cứu về nghệ thuật ca trù dân tộc. Những Đàm Mộng Hoàn, Chu Thị Bốn, Chu Thị Năm lừng danh một thuở.

Những Phó Thị Yến sinh ra danh cầm Phó Đình Kỳ và ca sĩ Phó Thị Kim Đức quen thuộc nhiều thế hệ trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam, những Nguyễn Thị Phúc sinh ra nghệ sĩ ngâm thơ Trần Thị Tuyết và nghệ sĩ nhân dân Quách Thị Hồ, một giọng ca có một không hai, được giải thưởng quốc tế về ca trù Việt Nam, mà năm 1942 Trần Huyền Trân đã có câu thơ tặng bà.

Người ơi mưa đấy hay sênh phách

Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa...

Khâm Thiên nay, chỗ trụ sở Tổng công ty xăng dầu, chỗ đoạn đầu máy, chỗ có cái Thiên Kiều bất tiện, hoang vu không bước chân người mà trong các triều đại Trần Lê... chính là Đài Khâm Thiên Giám, nơi nghiên cứu thiên văn, xem trăng sao, làm ra lịch hàng năm...

Không phải người Hà Nội nào cũng có dịp xuyên qua hàng mấy chục ngõ ngoắt nghéo, chữ chi tưởng đã hết lại mở ra, lối xương cá, lối thông ra đường Lê Duẩn (Hàng Lọng cũ), lối qua Văn Chương sang Hàng Bột, ra ga Trần Quý Cáp... với kỷ niệm như dấu đóng của thời gian.

Hai rặng bàng phố Khâm Thiên có sức sống thật lạ kỳ, phải chăng nó cũng mang hồn một Khâm Thiên kiên dũng, bị chột tơi bời trong bom đạn nhưng đến nay vẫn xanh tươi, lại thêu bóng rợp xuống hai bên vỉa hè những ngày gay gắt, lại gửi những lá thư màu đỏ cho người đi đón mùa đông, chuẩn bị mừng năm mới sắp đến là vừa...

Khâm Thiên ngày nay không còn là ngoại ô, nó là một đường phố không trung tâm thì cũng là phố thuộc loại sầm uất của quận Đống.

Cũng giống nhiều phường và phố khác, Khâm Thiên gồm phần lớn những người lao động, các nhà buôn nhỏ, có nhiều đền chùa, cũng nhiều trường học và theo xu thế thời đại mới cũng đã xuất hiện nhiều nhà cao tầng thành khách sạn nhà hàng với nhôm kính sáng choang.

Ít ai còn nhớ Khâm Thiên từng là nơi nhà sáng lập ra nền nghệ thuật xiếc Việt Nam đầu tiên và lừng danh là Tạ Duy Hiển cư ngụ những năm mới vào đời.

Không ai còn nhớ một bõ Chũi, một ông già nghèo khổ nhưng hiền lành, nhân đức thường làm công việc đầy khó khăn nguy hiểm là đi “giải quyết hậu quả tình yêu,” nay ta nói trắng ra là đi chôn cất những cái thai hoang, phải ôm xác đứa bé vào lòng, không áo quan, mà như một cái bọc, một em bé để che mắt cảnh sát Tây, ngồi xe tay kéo, giận châm giục người kéo xe đi mau cho khội lộ, ra thoát ngoại ô, tìm đống nào đó mà chôn vội chôn vàng, người khá thì mấy chục đồng bạc người nghèo hoặc chẳng biết của ai thì cút rượu hay tay không, bõ Chũi vẫn cứ làm, xong việc nhắp cút rượu cho cái khí lạnh khỏi ám vào người..

Cũng nào ai còn nhớ Khâm Thiên có ngôi nhà số 157 mang tên Quảng Thiện Đường, nơi đám tang dừng chân rồi sẽ đi tiếp ra nghĩa trang Quản Thiện phía Thanh Xuân.

lambarca
04-16-2018, 11:58 PM
Khâm Thiên
Phần 2: Khâm Thiên ngõ.
Góp nhặt từ cuốn sách Khâm Thiên - gương mặt cuộc đời của ông Giang Quân cùng với 30 năm có mặt và lang thang trên phố của e/cháu.

Phố Khâm Thiên có hơn chục con ngõ và hàng trăm cái ngách ngoắt ngoéo. Có thể đi tắt bằng lối ngõ Trung Tả rồi theo bờ hồ Văn Chương ra Hàng Bột, hoặc ngược ngõ Văn Chương vòng qua hồ Linh Quang lên ga Trần Quý Cáp, hoặc từ ngõ Chợ Khâm Thiên rẽ sang đường Lê Duẩn ở phía đông ... Vẫn còn nhiều cái tên cũ mới khác như ngõ Hồ Bãi Cát, ngõ Chùa Liên Hoa, các ngõ Vĩnh Khánh, Sân Quần, Đại Đồng, Hòa Bình, Khâm Đức, Lệnh Cư, Thổ Quan, Cống Trắng....

Hiện nay Khâm thiên có 17 ngõ bên chẵn và 18 ngõ bên lẻ (chỉ tính các ngõ lớn - không kể các ngõ nhỏ dẫn vào 1-2 nhà)

Bên lẻ có
1. Ngõ Nhà Dầu (ngõ 1 Khâm Thiên) nằm sát cạnh Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, trong là khu tập thể đường sắt - nơi được mệnh danh là trẻ con chưa tập đi đã tập học lái tàu. Ngoài ra ngõ Nhà Dầu còn là 1 đường tránh hợp lý khi bị tắc ở Khâm Thiên mà muốn đi ra Lê Duẩn (ngõ 222).

2. Ngõ Hồ bãi cát (ngõ 1b Khâm thiên) có 2 lối vào ở gần nhau, ngõ hẹp do lấp hồ ao cũ mà thành, ngõ có thể thông ra ngõ Hoàng An và ngõ Lan Bá.

3. Phố/Ngõ chợ Khâm Thiên (số 15): Dù đã lên phố nhưng trong tâm trí của những người sống lâu năm thì từ Phố chợ là 1 từ xa lạ. Ngõ chợ Khâm Thiên là tập hợp của 2 phố trước đây là phố Mỹ Đức (tính từ đầu ngõ chợ vào đến ngõ Xã Đằng) và phố Trung Phụng (Từ ngõ Xã Đằng đến Đê La Thành). Tới năm 1960 2 phố hợp lại thành Ngõ chợ Khâm Thiên. Có 1 thời gian Ngõ chợ được đổi thành Phố chợ xong đến 2017 đã đc đổi lại thành Ngõ chợ như cũ.

Từ đầu Ngõ chợ đi xuống Đê La Thành sẽ có thêm rất nhiều ngõ nhỏ khác, bên lẻ thì có Ngõ đình Tương Thuận, Ngõ Miếu, Ngõ Gia Tụ A, Gia Tụ B, Ngõ Xã Đằng, Ngõ chùa Mỹ Quang, ngõ Vạn Ứng, ngõ 3,6,8,9a,13,14 (các ngõ cũ, giờ đã được đánh số lại) (Ngõ 6 là ngõ 143, Ngõ 8 là ngõ 165 - các ngõ khác thì không nhớ cụ thể). Bên chẵn có ngõ Hồ cây sữa, ngõ Khâm Đức, ngõ 3a,4,5,7,10,11,12(các ngõ cũ, giờ đã được đánh số lại) - (ngõ 10 bây giờ là ngõ 218 - trong ngõ có trường tiểu học Trung Phụng).

4. Ngõ Hồ Dài (ngõ 27) ngõ hẹp, đi ngóc ngách, hồ ngày xưa đã bị lấp để làm nhà.

5. Ngõ Sân Quần (ngõ 57) - cạnh đài tưởng niệm của phố -trước có 1 bãi đất để tập bóng hiện không còn, trong có UBND phường Khâm Thiên.

6. Ngõ Tô Tiền (ngõ 83) lối vào thôn Tô Tiền xưa. Trong có đình Tô Tiền. Có thể thông ra ngõ Khâm Đức và ngõ Chợ Khâm Thiên.

7. Ngõ Cống Trắng thông cả 2 bên chẵn lẻ, bên lẻ là số 91 bên chẵn là 98. Trong ngõ có chùa Phụng Thánh nổi tiếng. Năm 2017, ngõ Cống Trắng được nối thông với đường Đê La thành qua Cống Chẹm. Cuối ngõ Cống Trắng có thể đi ra cuối ngõ Thổ Quan. Sau khi thông đường, cửa chùa Phụng Thánh quay ra mặt đường mới, không phải đi vào cửa nhỏ như ngày xưa. Chùa rất đẹp.

8. Ngõ Lệnh Cư (ngõ 127): trong có vùng đất gọi là gò ông Lệnh nơi phát lệnh tiếng quân của ba tướng họ Đào, sâu trong là bãi tha ma, Đội Khánh tậu làm nhà cho thuê nên đoạn ngày còn gọi là ngõ Đội Khánh(Trích sách Khâm Thiên gương mặt cuộc đời).

9. Ngõ Ba Sao (ngõ 151) – tên này ít người biết đến. Bên ngoài mặt đường phố Khâm Thiên có dãy nhà mười gian (từ số 147 đến số 155) của Cửu Khê chủ hãng Ba Sao (làm giày vải, nến) cho cô đầu thuê mở nhà hát. Có lối đi vào bên trong, nhà nhỏ bé, làm không theo hàng lối, dân trong ngõ sống dựa vào xóm cô đầu: bán phở, cháo, nem chả, xôi, lạp xuờng, bánh cuốn, bánh giầy, cho thuê bàn đèn, hầu hạ ăn uống; trong ngõ bày ra cảnh thuốc xái, cờ bạc tiêu hết tiền kiếm được xoay ra trộm cắp, mại dâm (theo lời ông Phố Đình Kỳ). Hiện là ngõ cụt.

10. Ngõ Toàn Thắng (ngõ 173) – xưa là các xóm của thôn Quan Trạm, có đường thông sang ngõ Lệnh Cư. Trước trong ngõ có trụ sở của hội cựu chiến binh quận Đống Đa.

11. Ngõ Thổ Quan (ngõ 215) – còn có tên khác là ngõ Trại Khách. Khoảng những năm 1920, có một số nhà buôn Hoa kiều tậu đất lập trại và xưởng sản xuất. Đường vào rộng như một đường phố nhỏ, hai bên kín nhà; Ngõ nối vói đường cái đi theo dọc làng Thổ Quan (thôn Quan Trạm) thông sang phố Chợ Khâm Thiên, có đường ra đê La Thành. Trong ngõ có khu của một tư sản Hoa kiều làm chỗ biệt thự nghỉ mát cho gia đình (nay là Xưởng thiết bị Bưu điện - 58 ngõ Thổ Quan). Ngõ thông với ngõ 231, thông lên đê qua ngõ Quan Trạm. Trong ngõ có nhiều cơ quan đoàn thể: UBND phường Thổ Quan, nhà hộ sinh, trường La Thành….

12. Ngõ Xưởng Than/ngõ Hồng Công (ngõ 231) trước có bãi than, đóng than quả bàng cung cấp chất đốt cho nhân dân trong khu vực và tập thể Bưu Điện.

13. Ngõ Phúc Thắng (ngõ 241) thưở trước ở đây có rạp mang tên Phúc Thắng. Năm 1972 ngõ được làm mới trên bãi bom B.52, xóm nhà cũ đã bị tàn phá hết. Phúc Thắng là tên chủ rạp hát ngoài phố và chủ đất trong ngõ. Trước ngõ có thông sang các ngõ 251 và 261 sau nhân dân xây nhà bịt lối, hiện là ngõ cụt.

14. Ngõ 251 - Ngõ cụt, trong có chừng 30 hộ dân, trước thông với ngõ 261 và 241, giờ các nhà xây lên đã chặn lại đường thông ngõ.

15. Ngõ Vĩnh Khánh (ngõ 261) cổng đề tên to của chủ đất cũ, trước có 3 cây dừa, hiện còn 1 cây. Ngõ cụt

16. Ngõ Chiến Thắng (ngõ 273), ngõ có nhiều ngách thông lên Đê La Thành, năm 1972 có 1 quả bom B52 rơi xuống trước cửa ngõ nhưng không nổ. Tên ngõ được đặt sau hòa bình.

17. Ngõ Bảo Toàn (ngõ 295) đất của làng Xã Đàn cũ, ngõ hẹp có đường thông sang ngõ Chiến Thắng và thông lên đê.

18. Ngoài ra còn các ngõ nhỏ như ngõ 219, 221 là các ngõ cụt, trong ngõ có từ 8-10 hộ.

Bên chẵn:
1. Ngõ 2b, 2e: Các ngõ cụt nằm cạnh ga, từ 1 số nhà tập thể trong ngõ có thể nhìn thấy tàu chạy hàng ngày.

2. Ngõ Thiên Hùng (ngõ 2) đi vào sau ga, trước thông tới làng Linh Quang và ngõ Hàng Đũa, giờ là ngõ cụt.

3. Ngõ đền Tương Thuận (ngõ 30) ngõ hẹp, trong có đền thờ Trần Hưng Đạo được lập vào cuối thế kỷ 19 và được xếp hạng di tích vào năm 1993.

4. Ngõ Trung Tiền (ngõ 58) ngõ thông vào Văn Chương, có thể sang Ga B (phố Trần Quý Cáp). Đối diện đài tưởng niệm Khâm Thiên.

5. Ngõ Cống Trắng (ngõ 98) thông từ ngõ 91 sang. Ngõ 98 thông sang ngõ Văn Chương, chỉ là 1 đoạn ngắn. 1 đường tránh nhỏ khi ngõ Văn Chương bị tắc đường.

6. Ngõ Văn Chương, là ngõ dài, thông với nhiều ngõ ở Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng và Trần Quý Cáp. Văn Chương thông với ngõ 221 phố Tôn Đức Thắng, thông với ngõ chùa Liên Hoa, Sơn Nam, Văn Hương, Linh Quang, Lương Sử, Thông Phong và có đường đi ra Ga B. Trong ngõ Văn Chương có 2 trường Văn Chương và Huy Văn.

7. Ngõ Sơn Nam (ngõ 132) – ít người biết đến tên Sơn Nam. Ngõ rộng, nông, giữa ngõ là nhà của ông chủ ngõ ngày xưa Bạch Sơn Nam, ngõ có 1 ngách nhỏ sang Văn Chương. Những năm 194x, có 1 người nổi tiếng trong giới văn nghệ hồi đó đã từng ở ngõ là nhà thơ Trần Huyền Trân.

8. Ngõ chùa Liên Hoa (ngõ 142) ngõ nhỏ có 1 ngách thông sang Văn Chương.Chùa này vốn xưa là chùa Thiên Bảo, tương truyền là có một cái chuông tiếng kêu vang rất xa gọi là chuông “Vàng cheo”.

9. Ngõ Đại Đồng (ngõ 160) tên cũ là ngõ Giếng, trước ngõ có 1 cái giếng to của làng Văn Chương.

10. Ngõ Hòa Bình (ngõ 214) - Trong ngõ thời Pháp thuộc cho tới trước năm 1945 có nhiều nhà của anh em của ông chủ hãng ô tô chạy đường Hà Nội đi Hòa Bình. Từ đó thành tên ngõ

11. Ngõ Tràng Duệ (Ngõ 232). Trong ngõ có chùa Tràng Duệ nên thành tên.

12. Ngõ Trung Tả (ngõ 264) là 1 ngõ nhỏ, trong ngõ có đình Trung Tả. Đình và đền Trung Tả là một trong những di tích lịch sử đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 21.6.1993. Ngõ thông sang ngõ Văn Chương. Cuối ngõ có chùa Bụt Mọc.

13. Ngõ chùa Linh Ứng (ngõ 290) có cổng đề Linh Ứng tự, chùa bị nhiều nhà dân lấn chiếm. Trước UBND phường Thổ Quan cũng được xây trên đất chùa (nay đã dời vào trong Ngõ Thổ Quan). Hiện nay chùa Linh Ứng đã lấy lại được đất và được xây dựng lại. Ngày 21-06-1993 chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

14. Ngõ Tiến Bộ (ngõ 308) còn có tên là ngõ Tạ Duy Hiển, trong có nhiều ngách có thể đi sang ngõ Kiến Thiết - Tạ Duy Hiển là nhà sáng lập ra nền nghệ thuật xiếc Việt Nam.

15. Ngõ Kiến Thiết (ngõ 350) Trước đó là ngõ Nam Thái vì trong ngõ có xưởng Nam Thái là một xưởng gò hàng kim khí, nổi tiếng nhất là đèn dầu hỏa bằng đồng. Có đường thông sang ngõ Đoàn Kết, Tiến Bộ. Tên Kiến Thiết được đặt năm 1964.

16. Ngõ Vạn Anh (ngõ 362) Trước có khu nhà và xưởng làm hương trầm của hiệu Vạn Anh phố Phúc Kiến cũ (nay là phố Lãn Ông). Hiện trong ngõ vẫn còn 1 nhà làm hương.

17. Ngõ Đoàn Kết (ngõ 376) ngõ nhỏ, trước có xóm nhà lá của Quan Thổ nên còn gọi tên là xóm Ăn Mày. Tên Đoàn Kết mới được đặt sau năm 1954. Thông với ngõ 277,221 Tôn Đức Thắng, ngõ Kiến thiết, Tiến Bộ.

18. Ngoài ra còn các ngõ lối vào hẹp như ngõ 234, 292 các hộ trong ngõ phần nhiều có quan hệ họ hàng với nhau.

lambarca
04-17-2018, 09:09 AM
Ngõ Thổ Quan không còn bóng mẹ
Mai Khoa

Hà nội ơi, những đường phố quen
Đưa em quay trở về ngõ nhỏ
Đường Khâm Thiên chật hẹp như nêm
Mỗi chiều tàu về ngang dốc phố.

Ngõ Thổ Quan xưa em về cuối phố
Mẹ gánh gồng chạy chợ đầu ô
Giờ còn không hai đầu nỗi nhớ
Tháng này về thắp nén nhang thơm.

Ô Chợ Dừa một chiều cuối đông
Em ngồi bên thúng mẹ nghiêng vai gánh
Tất tả đi về sau buổi chợ tan
Ngày ấy thằng út còn chưa dứt sữa .

Mười hai ngày đêm Khâm Thiên đổ lửa
Đống gạch than mẹ mới đóng chiều hôm
Để dành cho con có thêm phòng ở
Mẹ lo sau này mỗi đứa một lớn khôn.

Nhưng ước mơ của mẹ chưa tròn
Giặc rải thảm B52 san bằng nhà cửa
Lấy tấm lưng trần che chở cho con
Mẹ ra đi khi em đang nằm ngủ.

Ba mươi hai năm rồi mẹ ngồi bực cửa
Theo bước chân con từng bước trưởng thành
Bia kỷ niệm hàng năm chất đầy hoa cỏ
Hình hài mẹ sừng sững như tiếng vọng ngàn năm .

Viết xong 11/12/2004

lambarca
04-17-2018, 09:12 AM
EM KỂ CHUYỆN ANH NGHE
Mai Khoa

Anh ơi em còn nhớ
Nhâm Tý Tháng mười hai
Một Hà Nội sớm mai
Ngổn ngang tang thương quá

Hà Nội như trận địa
Pháo leo lên nóc nhà
Bác sĩ trực thông ca
Thức đêm cùng Hà Nội

Em dù còn nhỏ tuổi
phải đi sơ tán ngay
Nhà ở Khu Bạch Mai
Bên cạnh tường bệnh viện.

đúng vào đêm 19
Em theo mẹ về Nhà
Mẹ phải đi trực ca
Đêm khuya nghe báo động

Giật mình em tỉnh giấc
Đã thấy máy bay kêu
Sợ quá cứ nằm im
Ngửng lên trời muốn khóc...

Ô kìa sao đẹp quá
Vệt lửa đan vào nhau
Những tiếng pháo tầm cao
Những tiếng súng tầng thấp

Em tưởng mình đang mơ
Tưởng pháo hoa đang nở
Quên cả chạy xuống hầm
Tăng-xê dưới chân cửa.

Còi báo yên vừa tan
Em bị bác trực đêm
Mắng cho em một trận
Sao không chịu xuống hầm.

Rồi hôm sau đi luôn
Về Vân Đình sơ tán
Nghe đài báo Bạch Mai
Khâm Thiên, bom trải thảm

Bệnh viện của mẹ em
bom rơi tan tành hết
Nhà của em hôm qua
Nay cũng bay mất nóc

Kỷ niệm của chiến tranh
Còn hằn trong ký ức
Tuổi thơ không bình yên
Cùng mẹ cha đánh giặc

Hà Nội mang hình em
Hà Nội mang hình anh
Hà Nội của chúng mình
Da diết nhiều vô kể.

thuhanoi, 23/12/2007 - Những ngày cuối năm nhớ về Hà Nội.

lambarca
04-17-2018, 09:13 AM
Hà Nội ơi, giọt nước mắt vẫn rơi.

Anh lại chạm vào nỗi nhớ của em
Khi Hà Nội lặng im trong sương sớm
Mùa đông nào cũng xốn xang rét đậm
Khi nén nhang gục xuống dưới chân người...

Hà Nội của em da diết một thời
Vành khăn tang phủ lên từng góc phố
Khâm thiên ngổn ngang, nát tan Ngõ Chợ
Tiếng khóc bật lên nghẹn tắc trẻ sơ sinh

Hà Nội mùa đông cái rét châm kim
Len lỏi tận cùng một niềm day dứt
Bệnh viện Bạch Mai từng ô cửa thức
Trao gửi gì trong cơn gió mùa đông

Lư hương trầm mẹ đang dõi trông
Những đứa con mang hình hài của mẹ
Ba sáu năm ra đi lặng lẽ
Con lặng nhìn về phương ấy thầm mong...

Thuhanoi. 24/12/2008

Đêm 21 rạng sáng Ngày 22/12/1972, Khoa da liễu Bệnh viện Bạch Mai bị sập cùng nhiều trái bom rơi xuống Bạch Mai, rơi xuống Hà Nội. Ngày Hà Nội để tang cho những người thân.

lambarca
04-18-2018, 12:22 AM
Ngõ Thổ Quan không còn bóng mẹ

Hà nội ơi, những đường phố quen
Đưa em quay trở về ngõ nhỏ
Đường Khâm Thiên chật hẹp như nêm
Mỗi chiều tàu về ngang dốc phố.

Ngõ Thổ Quan xưa em về cuối phố
Mẹ gánh gồng chạy chợ đầu ô
Giờ còn không hai đầu nỗi nhớ
Tháng này về thắp nén nhang thơm.

Ô Chợ Dừa một chiều cuối đông
Em ngồi bên thúng mẹ nghiêng vai gánh
Tất tả đi về sau buổi chợ tan
Ngày ấy thằng em út còn chưa dứt sữa ...

Mười hai ngày đêm Khâm Thiên đổ lửa
Đống gạch than mẹ mới đóng chiều hôm
Để dành cho con có thêm phòng ở
Mẹ lo sau này mỗi đứa một lớn khôn.

Nhưng ước mơ của mẹ chưa tròn
Giặc rải thảm B52 san bằng nhà cửa
Lấy tấm lưng trần che chở cho con
Mẹ ra đi trong khi em đang ngủ.

Ba mươi hai năm rồi mẹ ngồi bực cửa
Theo bước chân con từng bước trưởng thành
Bia kỷ niệm hàng năm chất vành hoa đỏ
Hình hài mẹ sừng sững như tiếng vọng ngàn năm.

Viết xong 11/12/2004
Thuhanoi-Mai Khoa

lambarca
04-18-2018, 12:50 AM
Ngày Xưa
Tác giả: Caphesuotngay Mẹ từ hàng Bột
Gánh gạo xuống Ô Chợ Dừa
Con đường xa xa...
Đôi guốc gỗ
Bàn chân mấy mùa sưng phỏng hết giấc mơ

Phố La Thành bước qua
Ngã năm Khâm Thiên còn miệt mài quá thể
Gánh cuối năm
Gánh cuộc đời chậm trễ
Mẹ có kịp về
Đôi mắt, đợi, đàn con

Nào khăn mỏ quạ
Nào cuộn, quấn đuôi gà
Nào lưng ong vạt áo tứ thân
Chiều giáp Tết
Vỉa hè, nghiêng vai vất vả

Vượt Thổ Quan
Vẫn một thôi đường nữa
Ngày chợ cạn cùng
Vắng vẻ ít người mua
Tất bật từ đứng bóng giữa trưa
Nốt mẻ cuối
Vài trinh tiền lãi

Quang thúng chợ chiều đồ dư sót lại
Vài lạng thịt thâm
Phong nến
Bao hương
Mua cho Bố phần tư cân rượu ngon
Xót xa...
Còn hơn đồng bạc lẻ
Vốn ruột tượng để dành
Ba hôm Tết gầy xanh

Gánh gánh gồng gồng
Về đến Khâm Thiên
Nghĩ thuơng thân
Làm dâu sớm
Ngoài ba mươi, già còm cõi.....

Mấy mươi năm trôi
Trôi quá vội
Bức ảnh đã nhoà
Nhoà đến tội
Vàng khươm

Phố Hàng Bột về Khâm Thiên
Quanh quẩn mãi
Cuối năm chiều giáp Tết
Gió viễn phương
Hôm nay buồn thao thức
Dưới con đường
Nghe tiếng guốc quen quen..

Mấy mùa Xuân
Đã mấy mùa Xuân

Ai ngược bước thời gian
Vượt Trung Tự, La Thành
Con đê cũ nằm tương tư nhớ
Bay ngang trời trận giông be bé
Giọt vô tình ướt mắt...làm mưa

Người xa xưa
Hay vóc dáng mẹ tôi
Thủa ấy,
Tất tả Khâm Thiên từ phố Chợ Dừa.....

cpsn

lambarca
04-18-2018, 01:44 PM
Khâm Thiên
Lưu quang Vũ

Những người chết trong đêm thân gãy nát
óc chảy ròng trên gạch
những người chết cháy đen miệng há mắt mở trừng
tay chân vặn vẹo thịt xương
lòng ruột mắc trên dây điện
phố Khâm Thiên ầm ầm đổ sụp
tiếng người la khủng khiếp đêm dài

mặt trời lên trên bãi thây người
mặt dập vỡ ngực trần thủng hoác
những đống tóc gân đầu mình lẫn lộn
những xác tím bầm lạnh buốt sương đêm
bốn phía tiếng gào tiếng khóc tiếng rên
tiếng xẻng cuốc bới người trong gạch vụn
phố đông đúc thành bãi bằng đổ nát
không nhận ra những vỉa hè quen
xác người nằm ngổn ngang
báo đậy mặt, ruồi đậu bàn chân xám
bé ngẩng đầu ngơ ngác
bên xác anh xác chị mẹ cha
tôi đi như mù loà
đỡ em gái đập đầu ngã ngất
bà cụ phát điên vật mình ôm mặt
người mất tích đang tìm, người chết chẳng kịp chôn
xe nối xe sừng sững chở quan tài
đóng vội bằng mặt bàn, cánh cửa
phấn run rẩy ghi tên người xấu số
lên nắp quan xộc xệch chẳng bào sơn
quan tài trẻ thơ như những chiếc hòm con
những bát đĩa tủ giường tan vỡ
quần áo nát, gạo đầu ngùn ngụt lửa
sách vở dép giày vùi dưới hố sâu
tấm màn trắng xoá
xé chia nhau chít vội lên đầu
cả khu phố già đi hàng chục tuổi
những bó hương bên đường nghi ngút khói
những bó hương châm nát cả bầu trời
người trồng rau, chứa khoá, vá may
người nhặt củi, quét đường lam lũ
từ nay chung buổi giỗ
Bạch Mai, Yên Viên, Vọng, Láng, An Dương
phố đầy khăn tang
đêm không đèn tối mịt
chúng tôi ngồi bên nhau chờ cái chết
người các ô lên nằm ngủ vườn hoa
gió cuối mùa xót xa
thổi xoã tóc đoàn người chạy giặc
những dòng người kéo đi xé ruột
đội chiếu, ôm chăn, đeo làn, vác bọc
chút gia tài nghèo cực dịu trên lưng
bao gia đình dắt díu chị bồng em
những quần áo khói bom lấm rách
những cụ già vịn nhau dò dẫm
máu ròng ròng trên những chiếc cáng thương

năm 72! Có thể thế được chăng
hãy mở mắt ra trông
vụ thảm sát xưa nay chưa từng có
năm trái đất phóng tàu vào vũ trụ
không nơi nào không nói đến tình thương
Ghéc-ni-ca cũng chẳng thảm thê bằng
vô nghĩa hết, thánh kinh và máy tính
những pho sách, những dàn giao hưởng
ích gì đâu, khi bể máu dâng đầy
ôi xấu xa, đê nhục lắm con người
lời không đủ để nói điều phẫn nộ
tôi muốn có phiên toà cho tất cả
tôi vạch từng tên tôi gọi từng người
hãy đứng ra đây
các bà mẹ Mỹ
những dòng sữa đã nuôi bầy đồ tể
lời ru nào đã dạy chúng lớn khôn
những Kít-xinh-giơ và những Ních-xơn
ta nguyền rủa chúng mày cho đến chết
những kẻ nào đã gây ra tội ác

...

chục chiếc B52
không đổi được một trẻ nghèo Ngõ Chợ
không thể nhân danh bất-cứ-cái-gì
bắt máu vạn dân lành phải đổi
không thể chắp bình minh
bằng xương thịt những mặt người vỡ nát
ai tự xưng môi kề răng lạnh
ai khoác tặng chúng tôi vinh dự đẹp
các anh đón đưa nâng cốc hoà bình
các anh quyên thuốc men các anh đi biểu tình
rồi thanh thản trồng hoa và câu cá
bà tìm thấy lương tâm mình yên ả
trong nỗi đau quằn quại của chúng tôi
ta oán giận các người, đồ dối trá
loài người chung vai nhận tội ác này
anh và tôi, vâng, tôi nữa, cả tôi
chúng ta đã ngu tồi đến nỗi
không che chở được mẹ già em dại
khỏi quả bom tàn bạo từ trời cao
muốn kết thúc thơ mình
bằng những lời tốt đẹp
nhưng lòng tôi làm sao tươi sáng được
khi máy bầm khắp nơi
dưới bát cơm trên trời trong cốc nước

đêm qua tôi đã chết
với hàng ngạn mạng người
từ than bụi tôi hiện hình trở lại
mang đau thương đến trọn cuộc đời
tôi sẽ xông vào mọi cuộc vui
mọi buổi lễ uy nghiêm
mọi bài ca lừa dối
mọi quên lãng mọi nụ cười dễ dãi
để nói về những xác chết cháy đen
để nói về
những xác chết cháy đen

kẻ làm chứng trung thành
trước phiên toà lịch sử
giữa tột cùng đau khổ
đâu dám ngồi trau chuốt mỗi câu thơ
nhân danh cuộc sống, nói về cái chết
nhân danh niềm vui, nói về nước mắt
nhân danh tình yêu, tôi mãi mãi căm thù.


Nguồn: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, NXB Hội nhà văn, 2010