+ Trả lời Chủ đề
Trang 5 của 5 Đầu tiênĐầu tiên ... 3 4 5
Kết quả 41 đến 46 của 46

Chủ đề: Chuyện phố tôi

  1. #1
    Đánh trống múa rối Casper_HN's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Đang ở
    Nơi nào đó có em
    Bài viết
    2,027
    Thanks
    1,634
    Thanked 1,671 Times in 673 Posts

    Chuyện phố tôi



    Phố tôi be bé trong khu phố cũ Hà Nội…

    Ngày trước, lâu lâu rồi, khoảng cách giàu nghèo cũng lớn, nhưng không lớn đến cùng cực như bây giờ, thì cũng chả có chuyện để các bà các chị ngồi bàn, nhưng giờ thì khác… Phố tôi có một ngôi nhà nhỏ giữa phố, nghe nói cũng nguồn gốc tư sản thời Pháp, căn nhà vẫn giữ được nét xưa cũ, cái đặc biệt nhất là những con người trong đó.

    Bà cụ, giờ gần 90 rồi, vẫn cửa miệng những câu “Hỏi khí không phải…” “Mời bác lại nhà!”, miệng nhai trầu bỏm bẻm, nhìn vào cũng thấy hồn phố phảng phất. Con trai cụ, làm bảo vệ một trường phổ thông trong quận, nghe nói cụ không cho đi làm xa vì anh con trai là con một, lại là trưởng họ, một dòng họ khá lớn ở đây. Hàng năm giỗ tổ họ, bắc rạp khách khứa kín nửa phố. Chị con dâu trẻ và xinh lắm, dịu dàng đằm thắm đúng kiểu con gái Hà Nội, giờ đã ngoài 50 rồi nhưng vẫn đẹp như Lê Khanh nếu không muốn nói có phần hơn. Trong nhà có hai cháu gái xinh xắn nhìn trong vắt như nước suối nguồn, một học Kinh tế năm cuối, một đang học 12.

    Nghe các bà ngoài phố thạo tin kể lại, thì chị con dâu trước làm Bộ Thương mại, sau tới những năm 90 mở cửa, chị xin ra ngoài lãnh đạo một HTX ô tô, làm ăn phát đạt lắm, từ đó kinh tế gia đình cũng ổn lên, giờ thì phải nói là ổn nhất nhì phố. Bà Trang bán nước ở phố đổ toẹt khay nước bẩn ra cống, miệng trề ra “Nhà đấy được cái mẽ quý tộc, chứ chả có con Lan chắc đói rã họng. Hão!”. Chị Lan là tên chị con dâu, người giờ là Tổng giám đốc cái HTX ngày xưa giờ thành Tổng Cty to đoành. Nhà 5 người, anh chồng đi làm bảo vệ ca kíp đi về thất thường, hai đứa con gái ngoan như trong truyện, ngày nào cũng quét dọn lau nhà lau cửa kính đi chợ. Nhìn thoáng qua, ai cũng nghĩ đây là một gia đình của những năm 80 khó khăn của thế kỷ trước.

    Chị Lan, hàng ngày sách cặp đi làm, đi bộ ra chợ Hàng Da, nơi chiếc xe đợi sẵn ở đó, rồi đi. Chiều về, cũng tới đó chị xuống, cùng đứa con gái út, đi bộ về nhà, dù trời nắng mưa hay bão gió, trăm bữa như vậy. Nghe bà Trang bán nước kể, có hôm nửa đêm mới về, cũng đi bộ từ chợ, bà Trâm, bà mẹ chồng, không mở cửa cho vào, chị đứng cúi đầu bên cửa tới gần 1h sáng ông con trai trực bảo vệ về mới mở cửa cho vào… Thi thoảng chiều về sớm cùng con bé Linh, chị lại rẽ vào chợ, mua đồ ăn gì đó, về tự tay nấu cơm cho gia đình. Bà Trang bán nước ngay đối diện, rõ chuyện nhà chị có khi hơn cả người trong nhà, lại đổ khay nước khác, kể…

    Năm 95 gì đó, hồi đó đi ô tô là gớm ghê lắm, nhưng tịnh chị không bao giờ đi xe về đỗ cửa, một hôm bão về Hà Nội, chắc chị có việc về muộn, lại đang mang bầu đứa thứ hai, nên lái xe đưa về tận cửa, còn lấy ô che cho chị vào nhà. Bà Trâm ngồi phòng khách, nói bâng quơ “Chị quý tộc đã về đấy ạ! Chị có cần tôi rước chị vào phòng nữa không!” Từ đó, không bao giờ có lần thứ hai chị đi ô tô về cửa, đến tận bây giờ vẫn thế, bà Trang khẳng định như đinh đóng cột.
    Ông chồng đi làm bảo vệ, vẫn đạp cái xe Peogeot màu cá vàng từ ngày xưa, lúc nào cũng áo trắng bỏ trong quần, đi đứng từ tốn, chăm sóc vợ rất chu đáo, sáng nào ở nhà thì cũng dậy cầm cặp đưa vợ ra tận cửa, rồi vào ngồi đợi mẹ ăn sáng xong tự tay dọn dẹp mới làm gì thì làm. Hai đứa con gái thì hình như chả chơi với ai, hiếm lắm mới thấy bạn tới rủ đi học, còn sau giờ học là có mặt ở nhà…

    “Thế chả biết ở Cty thì chị này có ghê gớm không nhỉ”. “Làm gì có chuyện, hiền như Bụt, từ bảo vệ đến phó Tổng, đều yêu quý lắm. Ai cũng nói ra nói vào là thét ra lửa, quản lý cty tới gần nghìn người, mà về nhà răm rắp mới ghê”. Hóa ra chị xin cho cả con bà Trang bán nước đi học lái xe rồi vào làm lái xe hàng của Cty, lấy lương trừ dần vào học phí, nên bà này cứ như ma xó gì cũng biết.

    Cùng hàng phố, nên chén nước với cái kẹo lạc bà Trang chả lấy tiền, “Mày mua kẹo cho thằng cu Tai đi, coi như tao cho nó cái kẹo. Thằng chó, khôn khôn là!”

    Chả gì, ngay phố nhà mình cũng có chuyện hay để nghe, để học, để nhớ mình là Người Hà Nội…

  2. The Following 15 Users Say Thank You to Casper_HN For This Useful Post:

    BlackCaffe (14-08-2013), camhap (16-08-2014), Dzung Redbull (18-08-2014), flamencol78 (24-07-2013), hung (06-08-2013), Kiu (15-11-2013), love2live (24-07-2013), Mouse7023 (24-07-2013), Mr_Bom (25-07-2013), Na chín (24-07-2013), thubeongotau (17-03-2014), traitimchumnho (24-07-2013), tuansaker9 (21-08-2014), tuyendv (25-08-2014), Yankumong (24-07-2013)

  3. #41
    Đánh trống múa rối Casper_HN's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Đang ở
    Nơi nào đó có em
    Bài viết
    2,027
    Thanks
    1,634
    Thanked 1,671 Times in 673 Posts


    Hồn phố

    Hiện nay, bạn cứ ra đường gặp 10 người thì có 5 người dưới 35 tuổi, một xã hội trẻ và năng động vô cùng.

    Tôi chơi vơi ở khúc giữa, chưa đủ già để kề cà kể chuyện nhưng lại quá tuổi trẻ để ngu ngơ khi nhắc về phố. Tuổi tôi, cũng dính được cái cảnh nửa đêm mắt nhắm mắt mở ra xếp hàng mua gạo cho mẹ, tranh thủ trẻ con để quay vòng mua nhiều suất vải phin trắng ở Bách hóa 12 Bờ Hồ, hay thi thoảng lại nghĩ đến cô Tấm khi mẹ tạo điều kiện ra cho một bài tập kiên nhẫn, nhặt mọt gạo khỏi rá gạo mậu dịch đầy sạn!

    Kể ra thì tôi chơi, quan hệ với toàn người trẻ tuổi, sôi nổi, năng động và nhiệt huyết vô cùng, cơ mà có thể do tuổi tác thực và nhiễm cái khí trầm lắng của phố ngày xưa, mà thi thoảng tôi cứ tách ra, kéo mình ra khỏi cái cuộc sống đang trôi ồ ồ kia để mà ngồi gặm nhấm quá khứ, nhâm nhi từng ngụm nhỏ cái thời trong vắt ngày xưa.

    Những lúc như vậy tôi thường lang thang phố, thả bước vô định và vô thức, mắt nhìn trệu trạo qua lổn nhổn phố ngày nay mà hồi tưởng ngày xưa. Tôi thường đi chậm, nhìn chậm, gần như là tận lực tư duy lại nơi ngày những ngày xưa ấy nó như thế nào, như thể là một kẻ lạc trong rừng hàng nghìn ngày phải tập nói một mình kẻo quên cả tiếng người ấy. Tôi sợ mình quên mất ngày xưa, quên mất cái ngọt ngào, cái êm ái, cái lãng mạn mà tôi vẫn dựa vào mỗi khi cuộc sống mới nó đi quá xa những gì tôi tưởng tượng… Trong những lần đi như vậy, lần nào tôi cũng gặp những gương mặt cũ, cũ đúng nghĩa đen luôn. Cô bán bánh mì góc Yên Thái hơn ba chục năm trước trẻ măng, giờ chắc đã lên bà, vẫn ngồi đấy bán; bố thằng Hoàng Phương bạn tôi nhà góc Đường Thành giao với Hàng Bông tôi thường thuê truyện giờ đã già rồi, cửa hàng truyện bỏ từ bao giờ đang lúi húi rửa xe cho thằng con trai; hàng xôi thịt góc Hàng Điếu – Bát Đàn vẫn cô chủ cũ, vẫn chỉ bán từ chiều muộn đến tối; ngược lại với hàng bún dọc mùng cực ngon vỉa hè Lương Văn Can chỉ bán sáng sớm đến 9h…

    Con người thì cũ đi, con phố thì mới lại. Nhiều con phố hầu như chả còn gì của ngày xưa, chắc cũng chỉ có mình tôi lang thang cố tìm lại đúng vết chân ngày cũ của mình mà ướm bàn chân có chút phong trần vào lại đó, mong gạn ra được chút gì của xưa cũ, để mà gìn giữ kẻo quên cả tiếng người!

    Tôi thường hay dành buổi chiều nào đó rỗi ngồi bên hồ Gươm. Ngày trẻ tôi thường hay ngồi cái ghế đá hướng ra hồ, đối diện với Bưu điện Bờ Hồ, nhìn vào tán cây rũ xuống nước, kín như một mái nhà. Nhiều khi mưa nhỏ nửa ngày chưa ướt, lớn hơn chút tôi tịnh tiến dần về Tháp Bút, tôi ngồi chỗ mấy cái ghế giữa hàng liễu nhìn thẳng ra Tháp Rùa, giờ thì tôi chọn đôi ghế giả gỗ đối diện con ngáo ộp Ủy ban đang kiểu như tay dao tay nĩa chén thịt hồ Gươm. Góc này có tầm nhìn đẹp, góc chụp ảnh tốt cả sáng trưa chiều tối và đặc biệt lãng mạn khi mùa lá rụng. Chắc do cũng chớm già rồi…

    Tôi học phổ thông ở trường Trần Phú, quãng đường từ chợ Hàng Da đến Nhà hát Lớn tôi đã đi 3 năm trời, lần nào cũng qua hồ Gươm, hơn 5 năm sáng nào cũng chạy vòng quanh hồ, nhiều gương mặt cũng ghi dấu ở đây, nhưng giờ không còn nữa. Cô lai đen với mấy đứa con đen xì tóc xoăn tít hay buôn bán vặt góc gần bến tầu điện cũ giờ chỉ còn trong ký ức tôi, giống như bà cụ bán hàng rong ôm cái mẹt đầy những bỏng, khế xào, ô mai, bánh kẹo hấp dẫn mấy đứa chúng tôi ngày xưa ở phía gần quán Lục Thủy bây giờ chắc cũng đã ra người thiên cổ, cô gái có cặp đùi trắng muốt mà mỗi sáng tôi vẫn chọn chạy phía sau cô nhà ở Cầu Gỗ cũng đôi ba mươi năm rồi tôi không gặp nữa… đời bể dâu có ở mọi nơi.

    Có những cụ già tập thể dục bên hồ cũng mới nhập cư Hà Nội vài năm, họ và những người qua đây chắc chả thể hiểu được cái thằng nhỏ con này lâu lâu lại thấy ngồi đồng một chỗ, ánh mắt xa xăm ngắm tận ngày xưa để làm gì.

    Hiện nay, ra đường liệu có mấy người còn quan tâm hồn phố, có mấy người biết để yêu quý ngày xưa?

    May mà tôi vẫn còn giữ được chút Hà Nội cho mình…

    Ờ! Vẫn còn may chán!

    (Hà Nội, 20.04.2015)

  4. The Following 2 Users Say Thank You to Casper_HN For This Useful Post:

    flamencol78 (28-09-2015), Na chín (29-09-2015)

  5. #42
    Đánh trống múa rối Casper_HN's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Đang ở
    Nơi nào đó có em
    Bài viết
    2,027
    Thanks
    1,634
    Thanked 1,671 Times in 673 Posts


    Kỳ lạ là tôi đi đến Hải Phòng rất nhiều lần, cả làm việc và đi chơi, nhưng tôi hầu như, mà đúng hơn là không, nhớ nổi đường phố ở cái thành phố vừa có sự ồn ào lại vừa có các khoảng lặng này. Thậm chí có thời gian tôi lăn lộn cả tuần ở đó để chụp ít ảnh in lịch cho một khách hàng. Một thành phố kỳ lạ!

    Dù muốn hay không, thì sự thực là gần chục năm nay thu nhập chính của tôi cũng liên quan đến cái máy ảnh, nhưng kỳ lạ là tôi chưa bao giờ kiếm được một xu nào từ phố mình, kiểu như “bụt chùa nhà không thiêng” ấy

    Giữa phố tôi giờ mới mọc lên một cái khách sạn to tướng, một trong hệ thống khách sạn nổi tiếng ở Hà Nội, đâu đó 7-8 tầng kéo dài mấy số nhà với mấy chục phòng tiêu chuẩn quốc tế, con phố bỗng từ giã sự vắng vẻ bởi mấy chục nhân viên và mấy chục khách Tây ta thường xuyên qua lại. Mấy quán cafe sang trọng mọc lên cùng với các quán trà vỉa hè . Quán sang phục vụ khách, quán trà phục vụ người phục vụ, nói chung là cầu nào cung đó, vui vẻ cả. Tôi hàng ngày qua lại đó, và có vẻ sự vui vẻ kia chả liên quan gì tôi hết... Thế mà cũng liên quan, tôi nhận được hợp đồng chụp ảnh cho khách sạn lấy ảnh bán phòng trên mạng, nghe nói thời buổi cái gì cũng đưa lên mạng này thì việc bán phòng trên mạng mang lại 70% doanh thu của khách sạn, ghê thế cơ mà!

    Việc thỏa thuận tiền bạc nhanh hơn tôi tưởng, mọi yêu cầu của tôi được đáp ứng. Chà! Khách nào cũng thế này có phải tốt không. Nói chung là hai ngày cũng qua, tôi nhận cái của mình và khách sạn nhận cái của họ. Công việc giúp tôi trang trải cuộc sống mà lại là việc mình thích, tốt quá đi. Ơ cơ mà có gì đó khiến tôi thấy quen quen, mãi không thể nhớ ra được...

    ... Hải Phòng ấn tượng nhất với tôi là một... cô gái, tất nhiên, đàn ông luôn dễ ấn tượng vì một cô gái, tôi không ngoại lệ. Vào một năm cách đây rất nhiều năm, tôi đến Hải Phòng chơi. Luôn tiện, các bạn phải biết ở cái năm 90 của thế kỷ trước, bọn thanh niên ngố lắm, so với các bạn thanh niên bây giờ thì kém cực kỳ xa ở khoản bạo dạn. Còn trang phục thì đúng là “như ông bà bô” luôn. Hải Phòng khi đó là một thành phố khá vắng vẻ và phương tiện giao thông chính là xe đạp mini Nhật bãi, khoảng nửa cây vàng với thời giá đó ở Hà Nội.
    Chúng tôi ở nhà một người bạn của bạn tôi, nhà to như cái Bưu điện Hà Nội, ở gần sân Lạch Tray đến nỗi mà Quỳnh (cô bé bạn của bạn tôi) nói là thi thoảng bóng còn rơi vào sân. Ối chu choa là cái sân, nếu không tính hai chục cây lâu năm nằm rải rác thì chỗ trống chỉ đủ để làm một cái sân bóng rổ thôi, chứ không làm sân bóng đá được! Phòng khách trần cao đủ để cái nhà 2 tầng ở trong, đã chật hơn sân bóng đá thì chớ lại còn chềnh ềnh cái cầu thang ở giữa đưa lên tầng trên, y như cái cầu thang cô Scarlett O’Hara ngã ở cuối bộ phim kinh điển Cuốn theo chiều gió, bộ salon tiếp khách khiêm tốn chỉ đủ chỗ cho vài đứa trẻ chơi trốn tìm cả ngày không thấy nhau...
    Nhưng...
    Tôi bị chết mất đâu đó khoảng 10 giây, chết nghĩa đen luôn ấy, không còn cảm giác mình vẫn thở nữa, nói đúng hơn là tim tôi hình như cũng nghỉ đập khoảng chục giây. Chết đuối!
    Tôi thề là cô tiểu thư nhà O’Hara cũng tủi thân khi phải so sánh, từ trên cầu thang lanh lảnh câu chào và vút xuống một đôi chân trắng muốt xỏ đôi giày mềm trắng muốt cùng bộ váy xòe cũng trắng muốt (mãi sau tôi mới biết đó là váy mặc ở nhà, mới đầu cứ tưởng là đồ thời trang bên Tây, ngày xưa ngu thế)... Ôi cha mẹ ơi, kệ mọi người chào hỏi nhau, tôi đứng im chết một lúc cho vui. Mãi lúc sau sống lại tôi mới thấy mình sống sượng quá, ai dai Thủ đô mà zô ziên zữ zậy! Tôi sống lại và lóng ngóng nhìn lên, lúc đó cũng là lúc Quỳnh nhận ra cái nhìn vô lễ của tôi và ửng hồng đôi má. Thế là kệ đời, tôi chết tiếp. Trong đời tôi gặp nhiều đôi mắt đẹp, đẹp kinh khủng luôn, như đôi mắt cô bé Maika đến từ tương lai hay cô thiên kim tiểu thư do diễn viên Thu Hà đóng trong phim Lá ngọc cành vàng, nhưng chả ăn thua, đôi mắt của Quỳnh đẹp đến mê hoặc. Long lanh, ướt rượt, đuôi mắt dài ẩn dưới làn mi tự nhiên, cánh mũi nhỏ hơi nhăn lại, cô nói gì đó tếu táo về cái sự ngơ ngác của tôi làm bạn bè cười bò. Tôi còn sống đâu mà biết chúng nó cười gì mình, tôi đang chết, chết đuối trong đôi mắt chứa cả bầu trời đó... Nói chung là đến tận bữa trưa tôi mới hồi tỉnh...

    Quỳnh là con một, học giỏi, vui vẻ và có quá nhiều sở thích giống tôi. Thích viết, thích tranh luận về những mặt bên kia của các câu chuyện. Có vẻ sau 3 ngày ở Hải Phòng, tôi chả nhớ được gì cũng đúng, tôi có một cô bạn mà nếu gặp tôi chỉ cần ngồi chống cằm mà nhìn, mà mê mải nuốt cái vẻ đẹp thiên thần đó cũng đủ vui, cơ mà lại hợp nhau kinh khủng về quan điểm sống.
    Về Hà Nội, cứ 3 ngày chúng tôi lại có thư cho nhau, tôi cũng vài lần lặn lội đi tàu xuống Hải Phòng chơi với đôi mắt ấy... Bố mẹ Quỳnh rất quý tôi, nhưng cái suy nghĩ trẻ con, cái mặc cảm người nghèo đã dần dần kéo chúng tôi xa nhau, đến giờ đã khoảng ngót nghét hai chục năm rồi...

    Cái nhà trước cửa nhà tôi trong ngõ cho khách sạn thuê để cho nhân viên ở, hôm nay có một chuyện xảy ra. Cái cậu phụ trách buồng phòng của khách sạn đã làm cho cả khách sạn khác, thậm chí còn dẫn khách sang để ăn hoa hồng. Quản lý báo bà chủ khách sạn đến sắp đến, cái “ký túc” loạn lên như ong vỡ tổ, nhà tôi cửa sổ nhìn thằng ra sân trước, tôi bất giác nhìn ra...

    Bước xuống xe là đôi chân ấy, đôi chân mà đến chết tôi cũng không thể nào quên, cho dù bây giờ đã hơn hai mươi năm lẻ. Hóa ra cái tôi thấy quen quen chính là cái tôi thoáng nhìn thấy trong khách sạn khi bà chủ khách sạn đi qua phía xa lúc tôi chụp ảnh sảnh...

    Lần đầu tiên tôi không thấy vui chút nào sau khi hoàn thành một hợp đồng chụp ảnh khá to.

    Ngày cũ nó cứ dội về mặc kệ cuộc sống bây giờ có ra sao...

    Hà Nội, 05.06.2015

  6. The Following 2 Users Say Thank You to Casper_HN For This Useful Post:

    flamencol78 (28-09-2015), Na chín (29-09-2015)

  7. #43
    Đánh trống múa rối Casper_HN's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Đang ở
    Nơi nào đó có em
    Bài viết
    2,027
    Thanks
    1,634
    Thanked 1,671 Times in 673 Posts


    Bà Ngoại tôi...

    Thời nào cũng vậy, hình ảnh người phụ nữ dám đấu tranh, dám vượt qua định kiến để giành lấy hạnh phúc, cuộc sống tự chủ cho mình, đều là một hình ảnh đáng khâm phục. Tôi khâm phục Bà Ngoại của tôi.

    Câu chuyện về Bà tôi góp nhặt từ những thông tin rời rạc của các ông bà trẻ, các chú bác lớn tuổi trong họ đằng ngoại, từ khi tôi còn bé, còn là “Thỏ Ngọc” của ông bà ngoại. Sự tò mò lớn dần theo thời gian, cho đến khi tôi học hết phổ thông, thì bức tranh toàn cảnh gần như đã được phục dựng một cách không chính quy, vì hình như câu chuyện này không được xếp vào các câu chuyện có thể mang ra bàn tán...

    Hồi trẻ, bà đẹp lắm. Tất nhiên, với sắc đẹp trời phú vậy, các cụ của tôi cũng nhắm cho bà một chỗ sung sướng giàu sang. Nói chả đâu xa, những năm đầu thế kỷ 19, ngay ở cái đất Hà Nội này, việc bố mẹ đặt đâu con cái ngồi đấy là chuyện quá đỗi bình thường. Lại càng quá đỗi bình thường ở một cô gái ngoan hiền chịu thương chịu khó và ít nói. Hóa ra tưởng vậy mà không phải vậy, người mà bà muốn suốt cuộc đời gắn bó lại là ông ngoại tôi, một chỗ không được môn đăng hộ đối cho lắm, thậm chí còn có thể nói là nghèo...

    Nói về ông Ngoại tôi, nhìn di ảnh của ông hay những hình ảnh tôi nhớ về ông thì phải nói là các tài tử điện ảnh thời nay cũng chả có thể dám vênh mặt khi bước qua ông. Trong tâm trí tôi ông luôn mặc bộ trắng, trắng muốt từ cái mũ cho đến tất trong giày (mà trần đời tôi cũng chưa từng thấy ông mặc màu gì khác). Cao lớn, mặt mũi hồng hào, giọng nói sang sảng. Nhà cách hồ Gươm vài bước chân, sáng nào ông cũng đi ra đó tập thể dục, có lẽ phải năm sáu mươi năm trừ ngày lễ tết, chứ mưa bão ông cũng có mặt ở hồ. Còn nhớ, hồi lớp 10, tôi cũng bắt đầu tập chạy quanh hồ vào buổi sáng, chả bao giờ không gặp ông. Kỷ niệm tôi nhớ mãi là hôm mẹ tôi cứ cười không ngớt khi bà Ngoại quày quả đi về sau khi đến nhà tôi chơi. “Bà ngoại cũng đòi đi tập thể dục buổi sáng, vì nghe nói chỗ ông tập các bà cứ sán lại để tập cùng!”.

    Vậy là bà yêu ông, gia đình biết nhưng cứ nhất định ép bà lấy người giàu có. Là một người con gái chuẩn tư tưởng hiếu đạo bà không thể cãi lời để theo ông bỏ gia đình, bà đi tu, chẳng thà nương nhờ cửa Phật cho thanh thản còn hơn phải sống với người không yêu. Thời gian trôi đi, không kịch tính như phim ảnh, các cụ cũng yêu thương bà tôi lắm, nên đồng ý cho bà nên duyên với ông còn hơn là để bà cả đời gõ mõ tụng kinh. Hạnh phúc vẹn toàn với một gia đình bảy người con, trong đó mẹ tôi là người con thứ ba.

    Bà nhỏ nhắn, khi ngoài bảy mươi tuổi vẫn thoăn thắt đi bộ, vẫn một tay lo lắng từng miếng cơm manh áo cho ông tôi. “Ông khó tính lắm, ngoài tao ra chẳng ai làm được ông vừa ý đâu”, bà luôn nói vậy khi ai đó định giúp bà nâng giấc cho ông. Từ cái tăm cho đến giặt đôi tất, từ cách đặt bát trên mâm cho đến vần cháy để ông ăn cho “thơm miệng”, bất cứ ai khác ngoài bà làm là ông nhận ra ngay. Ông bà như một hình mẫu hoàn hảo về một tình cảm đôi lứa viên mãn vẹn toàn.

    Ông Ngoại tôi mất, con người cao lớn khỏe mạnh ấy ra đi sau 4 lần đột quỵ. Ông bác sỹ trưởng khoa trong Viện Lão khoa an ủi gia đình “Tôi mấy chục năm là nghề y, gặp không nhiều người qua nổi đợt tai biến thứ ba. Ông cụ nhà ta sức khỏe tốt và lạc quan lắm, mọi người nên bớt đau buồn...”

    Ai bớt đau buồn thì được, chứ bà Ngoại tôi thì không. Con người nhỏ nhắn thoăn thắt ấy, con người mà suốt bao nhiêu năm tôi biết chưa từng thấy ốm một lần ấy, đã không gượng dậy nổi sau một mất mát lớn lao đến vậy. Tron g lễ tang ông, bà vẫn như mọi khi, cần mẫn và cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ, “ông ấy chỉ yên tâm khi tao làm thôi, chúng mày để đó...”. Ai cũng nghĩ bà thật mạnh mẽ, trong lúc như vậy mà bà vẫn tỉnh táo và sáng suốt thì yên tâm lắm. Sau khi cúng 3 ngày cho ông, bà bỗng ngơ ngác như người mất hồn, lẫn thẫn, lẩm cẩm. Tâm trí bà hình như cũng đã đi theo ông, đi theo lẽ sống của cuộc đời bà mất rồi. Lễ 35 ngày đưa ông lên chùa, bà đã không có mặt ở đó, bởi bà không còn đi được nữa, bà ốm liệt, và quên hết mọi chuyện, chỉ còn như cái cây tầm gửi, sống bám hững hờ vào cõi đời này...

    Trong số ít người bà vẫn nhớ là tôi, lần nào đến thăm bà bà cũng cất giọng khó khăn hỏi thăm “thằng chó”. Nhà các dì các cậu cách có vài số nhà đi lại suốt nhưng bà lúc nhớ lúc không, nhà tôi cách nhà bà hai con phố, thi thoảng mới ghé chơi với bà, nhưng gia đình tôi bà luôn nhớ. “Mẹ khổ nhất trong các anh chị em, nên bà thương, bà nhớ đấy...”, mẹ tôi rơm rớm nước mắt nói mỗi khi đi thăm bà.

    Mười mấy năm sống như một cái cây sau khi ông mất, hôm qua bà Ngoại tôi cũng đã về với ông. Bà đã rời cõi tạm để đến với ông, cũng vất vả như ngày xưa bà vượt qua gia đình, xã hội để cùng ông sống quãng đời đẹp đẽ.

    Giờ đây “thằng chó” của bà không được bà run run giọng gọi khi ghé chơi số nhà 16 Hàng Cân nữa, cuộc đời nó mất đi một điều gì đó không gì bù đắp được.

    Người chết chẳng mang gì đi, mà trống không để lại đến vô bờ...

    14.06.2015
    “thằng chó” của Bà.

  8. The Following 3 Users Say Thank You to Casper_HN For This Useful Post:

    camhap (03-10-2015), flamencol78 (28-09-2015), Na chín (29-09-2015)

  9. #44
    Đánh trống múa rối Casper_HN's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Đang ở
    Nơi nào đó có em
    Bài viết
    2,027
    Thanks
    1,634
    Thanked 1,671 Times in 673 Posts


    Sáng, đưa thằng Cu Tai về nhà bà nội, bà gọi bảo đi đón em Chíp.

    Con đường nắng tưng bừng, các giọt nắng gặp tán cây văng tung tóe lên mọi người. Con đường từng có tên là Cổ Ngư bừa bãi nắng vụn, miếng to miếng nhỏ chảy tràn trên phố, trên vai đầu tóc mắt mũi... Tôi thường nói Hồ Tây có vẻ đẹp của một cô gái viên mãn mặc váy ngắn, hôm nay cô ấy mặc váy độc một màu xanh da trời, không điểm xuyết vài đốm mây trắng nào như mọi khi, chỉ xanh và xanh. Tất nhiên, cô nàng phồn thực này không quên quàng tấm khăn vàng ươm ánh nắng. Hai bố con người dính đầy nắng hồ hởi nói bao nhiêu là chuyện, kể đúng ra thì nó hồ hởi hỏi nào là tại sao lúc nắng ở bên trái lúc lại bên phải, tại sao em Chíp phải gọi hai em Tun Tin là chị, tại sao bố bảo bị cháy nắng mà con có thấy lửa đâu, tại sao lại có cầu vồng như hôm con ngồi chơi nhà bà Diệp nhìn thấy... nói chung, là đoạn đường chục km khoảng năm mươi câu hỏi. Tôi trả lời từng câu một cách kiên nhẫn, thầm nghĩ thương bố tôi, ngày xưa chắc tôi còn hỏi nhiều hơn thế này nhiều...

    Đón được con em thằng Cu Tai, túm luôn được thằng Cu Tuấn cả ngố để ngồi cafe tán phét. Hai anh em ngồi gác chân lên ghế gọi đôi cốc nước sau khi thả hai đứa vào khu vui chơi, thế là buôn. Trộm vía, đàn bà hay buôn chuyện, đàn ông thì hay kể chuyện. Lệch nhau cả chục tuổi nhưng hai thằng đồng hương cũng có bao nhiêu là chuyện mà ôn cố tri tân. Gớm, một cái Hà Nội trong vắt vắng vẻ lãng mạn ngày xưa thi nhau ồng ộc trôi về trên bàn, tôi và thằng đồng hương trẻ hơn chưa vợ có cả triệu thứ để luyến tiếc.

    “Mày biết không, hôm tao về nhà thắng bạn chơi, cách Hà Nội gần trăm cây số, mà đường láng bê tông đẹp sạch như lau!”
    “Em cũng thấy thế, các vùng quê bây giờ sạch đẹp lắm. Có ông nhà gần nhà em giàu lắm, về quê bỏ tiền túi làm cả con đường xuyên làng!”
    “Ờ thì quê cha đất tổ mà. Cái chỗ kiếm tiền và đi ỉa rong thì ai hơi đâu giữ gìn, có gì tốt đẹp mang cả về quê chứ...”

    Tôi chợt chạnh lòng. Cả triệu người sống ở Hà Nội liệu có mấy người quê Hà Nội để xót xa, để giữ gìn, để có gì tốt đẹp thì mang cả ra đây? Nó chỉ còn là cái chỗ để người nào người nấy ra chụp giật ít kim ngân để rồi mang về với nơi chôn rau cắt rốn.

    Khổ thân hai thằng dở hơi, lúc nào cũng nghĩ Hà Nội là “của mình”. Cơ mà nó đúng là quê hương yêu dấu của hai thằng thật. Khổ thế.

    Cuộc đời chả có gì cao siêu, chỉ là vài vạn ngày trôi qua như vậy...

    Hà Nội, 27.6.2015

  10. The Following 2 Users Say Thank You to Casper_HN For This Useful Post:

    camhap (03-10-2015), Na chín (29-09-2015)

  11. #45
    Đánh trống múa rối Casper_HN's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Đang ở
    Nơi nào đó có em
    Bài viết
    2,027
    Thanks
    1,634
    Thanked 1,671 Times in 673 Posts


    Những đứa trẻ Chế Tạo

    Ba năm tôi không ở nhà đón Trung Thu với con trai.

    Ba năm tôi không ở nhà vào dịp giỗ bà nội mình.

    Tôi đi Chế Tạo - Mù Cang Chải, tôi vui với niềm vui của các cô bé cậu bé miền núi, tôi nghĩ con trai mình sẽ chẳng thiệt thòi .

    Năm nay tôi không đi được, vì nhà tôi mới tăng từ 3 khẩu lên luôn 5 khẩu được hơn 4 tháng. Tôi ở nhà, nghĩ rằng sẽ vui tết Trung Thu với con trai.

    Gia đình tôi được thuê một căn hộ bên Việt Hưng, khu CT19A, tôi nghĩ rằng để con mình hòa nhập cũng được, cũng tốt thôi. Buổi tối nay, lễ Trung Thu trong sân khu chung cư diễn ra khá hoành tráng với đèn đóm, bóng bay, cả đoàn xiếc được mời về...

    15', sau một bài diễn văn dài lê thê mà người lớn còn chả thèm hiểu, buổi lễ bắt đầu, túi bóng bay được đưa ra, người lớn và trẻ con nhào ra khỏi chỗ ngồi xô đến chỗ túi bóng, tôi lặng lẽ đứng xa xa phía sau nhìn con trai mình. Nó ngồi im lặng, nhìn đám đông phía trước, nhỏ bé và cam chịu, người chậm không có quà, người không chen chúc không có quà, trẻ con không có quà... Tôi thấy con mình tội nghiệp như những đứa trẻ Chế Tạo, những đứa trẻ miền núi ngây thơ không biết tranh giành...

    Buổi lễ tiếp tục, và con tôi lẻ loi không có quà ngồi lặng lẽ. Nó cũng vui cười khanh khách khi xem cảnh các chú hề, xem các con khỉ đạp xe, nó nghiêng người nhìn qua vai các đứa trẻ lớn hơn chạy lên trước sân khấu, rồi nó không nhìn được gì nữa vì bố mẹ của lũ trẻ kia cũng xô lên sát sân khấu để mà xem, để mà cười, để mà nhận quà, tôi lặng lẽ đứng xa xa phía sau nhìn con trai mình. Nó ngồi im lặng, nhìn đám đông phía trước, nhỏ bé và cam chịu, người chậm không có quà, người không chen chúc không có quà, trẻ con không có quà... Tôi thấy con mình tội nghiệp như những đứa trẻ Chế Tạo, những đứa trẻ miền núi ngây thơ không biết tranh giành...

    Tôi lên sân khấu giành micro từ bạn làm ảo thuật, đề nghị phụ huynh các em lùi lại nhường chỗ cho các em nhỏ có thể nhìn lên sân khấu, đáp lại tôi là một đám đông im lìm, không ai di chuyển. Tôi thấy chính mình tội nghiệp như những đứa trẻ Chế Tạo, những đứa trẻ miền núi ngây thơ không biết tranh giành...

    Lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng tôi có ý định cho con tôi tham gia vào một sự kiện ở nơi này, một khu chung cư toàn gia đình cán bộ công chức của TP Hà Nội, chung cư dành cho người thu nhập thấp nhưng số ô tô cá nhân nhiều hơn cả khu chung cư thương mại bên cạnh...

    Căn hộ bé tí 17m2 không nóc nơi phố cũ, tôi không bao giờ bán, để con mình hàng ngày về đó, về mà học những thứ văn hóa dở hơi phố cổ, những thứ luôn bị xã hội "văn minh" dè bỉu là cổ hủ, chui rúc chật chội... để mong con mình lớn lên trong sáng như những đứa trẻ Chế Tạo, những đứa trẻ miền núi ngây thơ không biết tranh giành...

    Tôi nghe nói rằng Người Hà Nội không giỏi, không có tố chất lãnh đạo, hay sĩ hão, hay lảng tránh ganh đua. Gia đình tôi đầy đủ các tố chất ấy, nhiều thế hệ không có người làm ông nọ bà kia, không có người giàu nứt đố đổ vách, không có ai biết giành quà.

    Các con ạ, bố cũng như các con, không chọn được cho mình nơi chôn rau cắt rốn mà tự nhiên nó như vậy, thì đành phải kém cỏi thế thôi.

    Bố vui mừng vì con không biết giành quà, như những đứa trẻ Chế Tạo...

  12. The Following 4 Users Say Thank You to Casper_HN For This Useful Post:

    camhap (03-10-2015), flamencol78 (28-09-2015), linhdoha (28-09-2015), Na chín (29-09-2015)

  13. #46
    Đánh trống múa rối Casper_HN's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Đang ở
    Nơi nào đó có em
    Bài viết
    2,027
    Thanks
    1,634
    Thanked 1,671 Times in 673 Posts


    Tình bạn khác giới

    Chuyện cũng qua lâu rồi, nên nói lại không ngại lắm.

    Kể ra thì ngoại thất của tôi trông cũng không đến nỗi tệ, mà thực sự phải nói là quá tệ, xấu bẩn lùn hèn. Trộm vía được cái mồm miệng đỡ chân tay, kiểu “ăn như rồng cuốn nói như rồng leo”, thôi thì cũng là cũng có tí ti ưu điểm trong bạt ngàn khuyết điểm.

    Nói sau lưng phụ nữ một chút chứ, may rằng thẩm mỹ của chị em dạo này cũng làm sao ấy, cái thằng tôi mà cũng lấy được vợ, lại còn trẻ hơn gần chục tuổi, lại cũng xinh xinh nữa, mắc mỗi cái tật về mắt. Chả là mỗi lần vô tình không may nhìn vào gương, là cái thằng tôi lại cực lực khẳng định rằng vợ tôi có vấn đề nghiêm trọng về mắt. Đến tôi còn chả ngửi nổi cái thằng đang nhìn tôi trong gương, thế chó nào vợ tôi lại chịu được. Âu cũng là cái liễn, chắc do tại số, chắc tôi số lộc phát gì đó còn vợ tôi số tịt…

    Tôi lấy vợ cũng lâu rồi, dự định 1.000 năm Thăng Long sinh đứa đầu lòng nên hai vợ chồng tung tẩy vui chơi gớm phết. Được cái xấu bẩn lùn hèn lại cũng có chút lợi thế thì phải, trông rất chi là vô hại với chị em từ trẻ tới già, nên tôi chơi với bạn phần nhiều là giới nữ. Có những mối quan hệ rất chi là kỳ lạ, như với cô ấy chẳng hạn.

    Chúng tôi có rất nhiều điểm chung, vào thời điểm đó (cách đây gần chục năm rồi) thì vợ tôi cũng chả hiểu tôi được như cô ấy, chúng tôi như đôi bạn tri kỷ tâm giao, vài ngày lại trà đạo ngồi đối diện nói chuyện nhân tình thế thái, kể ra cũng tao nhã vô cùng. Cuộc sống cứ êm đềm trôi như vậy, chúng tôi có nhiều lúc lãng mạn hơn cả vợ chồng, duy khác là luôn ở tình trạng đối diện nhau, không đụng chạm cho dù có những chuyến đi xa ra biển ăn một bữa trưa, ngả ghế nằm ngắm cảnh hoàng hôn rồi về. Ngày đó Facebook chưa thịnh ở Việt Nam, chúng tôi toàn liên lạc qua chat Yahoo và qua điện thoại. Cả hai hiểu nhau như người thân trong nhà…

    Là đàn ông, lại có tính tò mò, tôi cũng hay để ý tìm hiểu về gia đình cô ấy, hay có vấn đề gì với chồng con nên mới kiếm một thằng bạn để đỡ buồn? Càng tìm hiểu càng thấy đấy là một gia đình hạnh phúc, kiểu mẫu chồng tốt vợ đẹp con ngoan. Cô ấy có một cô con gái đẹp như thiên thần, tất nhiên là đẹp hơn mẹ nhiều! Chúng tôi vẫn ở bên nhau rất nhiều, khi thì đối trà, khi thì đi chợ mua vải vóc quần áo, khi thì cô ấy cầm hắt sáng phụ cho tôi chụp ảnh, khi thì ngồi im lặng cạnh nhau trầm tư ngắm mặt trời lặn xuống mặt hồ Gươm…

    Rồi cuộc sống tất bật, tôi có Cu Tai, cô ấy có thêm một bé gái nữa, đẹp như thiên thần, đẹp hơn mẹ nhiều… Cuộc gặp giữa chúng tôi cứ thưa dần ra…

    Bây giờ chúng tôi vẫn thi thoảng gặp, thi thoảng thôi. Cô ấy vẫn đẹp sau nhiều năm, tôi vẫn xấu như cũ…

    Chuyện chỉ có thế…

    (Hà Nội thu 2015)

  14. The Following 4 Users Say Thank You to Casper_HN For This Useful Post:

    camhap (03-10-2015), flamencol78 (28-09-2015), Na chín (29-09-2015), vnpcworld (30-09-2015)

+ Trả lời Chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình